Bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống: Vai trò quan trọng của cộng đồng

Loạt bài "Bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống" đăng trên báo Tin Tức số ra từ ngày 23-25/12/2013 đã nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của nhiều độc giả, bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và cả những đồng bào là người dân tộc thiểu số. Báo Tin Tức xin trích đăng một vài ý kiến của độc giả trong việc làm thế nào để giải được "bài toán" về bảo tồn trang phục dân tộc thiểu số.



Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH, TT & DL): Phải xác định đúng đối tượng


Theo tôi, cùng với việc thực hiện những chủ trương, chính sách, chúng ta phải xác định được đối tượng để triển khai việc bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc. Có hai đối tượng cần hướng đến trong việc bảo tồn trang phục truyền thống là phụ nữ và học sinh, sinh viên. Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc chăm lo cái ăn, cái mặc của từng cá nhân trong gia đình, không những thế, cũng chính người phụ nữ đã dệt đan, thêu thùa, may vá, tạo ra các trang phục truyền thống của dân tộc mình cho chồng, cho con… Hai là đối tượng học sinh, sinh viên, nếu chúng ta có quy định, học sinh dân tộc thiểu số phải mặc đúng trang phục dân tộc mình đi học, coi đó là bộ “đồng phục” của các em học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục được về văn hóa dân tộc cho các em từ khi còn nhỏ, dần dần, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ hiểu, tự hào và tôn vinh trang phục của dân tộc mình.

 

Các chàng trai, cô gái Khmer trong trang phục truyền thống.
Thanh Hà - TTXVN

 

Giáo sư Hoàng Nam (nguyên giảng viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội): Nhiều lực lượng cùng tham gia


Tôi cho rằng, để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc, cần nhiều lực lượng cùng tham gia. Đó là những chủ nhân sáng tạo trang phục, là các nhà chuyên môn nghiên cứu văn hóa dân gian nói chung, nghiên cứu về trang phục nói riêng và các nhà quản lý nhà nước về văn hóa. Trong đó, chủ nhân sáng tạo trang phục phải là nhân vật chính, có trách nhiệm số một trong việc xác định giá trị văn hóa, bởi họ chính là người sẽ đề xuất những nét đẹp truyền thống mang tính chất đặc trưng của dân tộc mình để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục trong cuộc sống, không chỉ trong quá khứ, mà còn tiếp tục sáng tạo và “nuôi dưỡng” trang phục truyền thống của dân tộc mình trong tương lai.

 

Nghệ nhân Vàng Thị Mai, dân tộc Mông, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: Đồng bào phải được hưởng lợi


Những nghệ nhân đang nắm giữ cách làm trang phục truyền thống như chúng tôi sẵn sàng đào tạo, truyền nghề cho bà con dân tộc mình, đặc biệt là các bạn trẻ, để mọi người vừa có thể tự làm ra những bộ quần áo đẹp của dân tộc mình, vừa có sản phẩm hàng hoá bán trên thị trường. Theo tôi, để gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc thì cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các tổ chức cần hỗ trợ cơ chế, chính sách, làm sao để bà con dân tộc chúng tôi được hưởng lợi từ việc gìn giữ trang phục truyền thống, sản phẩm chúng tôi làm ra phải có nơi tiêu thụ, được giới thiệu, quảng bá rộng rãi… khi có thu nhập từ những việc làm đó, bà con sẽ nhiệt tình làm.

 

Ông Nguyễn Tánh, Giám đốc Sở VH, TT & DL Sóc Trăng: Nâng cao “văn hóa mặc”


Cần tiến hành một cuộc điều tra cơ bản về thực trạng và nhu cầu “mặc” trong cộng đồng các dân tộc thiểu số để có cái nhìn tổng thể, đầy đủ về vấn đề này, giúp việc xây dựng kế hoạch, định hướng bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mang tính khả thi cao. Cùng với đó là tiến hành tổ chức định kỳ các cuộc trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số từ cấp tỉnh, khu vực cho đến cấp quốc gia; tăng cường các hoạt động tuyên truyền…

 

Ông Ngô Quang Hưng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc, Bộ VH, TT & DL):
Khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống


Việc xuất hiện những làng nghề, sản phẩm nghề thủ công truyền thống về trang phục dân tộc như nghề thêu của phụ nữ Dao Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), nghề dệt vải lanh thổ cẩm ở Lùng Tám (Hà Giang), nghề dệt thổ cẩm Êđê (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)… đã hỗ trợ đắc lực trong việc tạo ra những bộ trang phục truyền thống dân tộc. Chính vì vậy, cần thiết phải quy hoạch và tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống dệt, nhuộm, thêu thủ công ở vùng dân tộc.

 

Ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở VH, TT & DL Thái Nguyên: Giáo dục tự hào dân tộc
Cần bảo tồn nguyên trạng trang phục truyền thống của mỗi dân tộc (bao gồm cả y phục và trang sức) bằng cách nghiên cứu, sưu tầm bộ trang phục gốc để trưng bày, giới thiệu đặc trưng của từng bộ trang phục đến nhân dân. Bên cạnh đó là giáo dục tính tự hào dân tộc, đặc biệt giáo dục thế hệ trẻ. Đồng thời, phục dựng lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, tạo ra ý thức thói quen dùng trang phục truyền thống để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, cưới xin.

 

Ông Cao Chư, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Quảng Ngãi: Tôn vinh nhiều hơn nữa


Cần xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, sự ngần ngại khi mặc y phục truyền thống của đồng bào bằng cách giúp đồng bào nhận diện và chỉ ra ý nghĩa, vẻ đẹp của y phục dân tộc, thực hiện tôn vinh nhiều hơn nữa trang phục dân tộc bằng nhiều cách khác nhau, qua nhiều kênh khác nhau. Chẳng hạn trong các quy ước làng nước có quy định trong lễ hội thì mọi người phải mặc y phục dân tộc, khi đến trường học sinh phải mặc y phục dân tộc...


Phương Lan (thực hiện)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN