Bảo tồn và phát huy điệu then

Lạng Sơn là mảnh đất có nhiều nét văn hóa độc đáo và phong phú, trong đó có những làn điệu then. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của then, trong những năm học gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đưa hát then vào môi trường học đường. Các nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT ở Lạng Sơn đã gắn việc gìn giữ hát then với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng. Khi đưa hát then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát then trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng từ bao đời nay.


 

Thầy Ngô Văn Đà hướng dẫn học sinh trường Lương Văn Tri học đàn tính.

 

Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã đưa hát then vào nội dung học tập từ năm 2008, bằng các hình thức như phát các đĩa hát then trong các chương trình ca nhạc của nhà trường vào đầu giờ học và giờ giải lao một số buổi sáng trong tuần; tích cực tuyên truyền, động viên, khuyến khích học sinh hát then trong các hoạt động văn nghệ, các sinh hoạt tập thể, tự trang bị một số cây đàn tính phục vụ các tiết mục hát then. Năm 2011, nhà trường đã mời một số nghệ nhân có tiếng và một số người được đào tạo cơ bản và có hiểu biết về then như nghệ nhân Vi Thị Liên, thầy Ngô Văn Đà... về trường để truyền dạy hát then cho học sinh. Hè năm 2012, nhà trường mở một lớp dạy cho 14 giáo viên của nhà trường về những kỹ năng đánh đàn tính và hát then.


Lồng ghép hát then vào các hoạt động ngoại khóa là nội dung diễn ra thường xuyên ở THPT Lương Văn Tri. Vào dịp những ngày lễ lớn, nhà trường tổ chức cho học sinh tập luyện và biểu diễn những làn điệu hát then, mang đến cho không gian học đường những sắc màu văn hóa của làn điệu ấm áp này. Thầy Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng trường THPT Lương Văn Tri cho biết: "Đến nay, trường đã mở được 4 lớp học hát then cho 52 học sinh và 14 thầy cô giáo trong nhà trường. Sau khi tham gia lớp học, thầy cô và học sinh có thể đánh được đàn tính và hát những làn điệu then cơ bản. Việc tổ chức dạy hát then trong nhà trường nhận được sự ủng hộ và quan tâm của ngành giáo dục, phụ huynh học sinh và các tổ chức khác trên địa bàn".


Khi được tham gia các hoạt động biểu diễn, nhiều em học sinh tỏ ra tự tin, chuyên nghiệp và ấn tượng. Em Hoàng Trọng Thái, học sinh lớp 12A10, trường THPT Lương Văn Tri cho biết: "Em sinh ra tại Văn Quan, nơi được coi như “cái nôi” hát then của Xứ Lạng. Từ nhỏ em đã rất yêu các làn điệu then quê mình, giờ học trong trường lại được tham gia lớp hát then, em cảm thấy vui và say mê với môn học này. Việc tổ chức dạy hát then trong trường học giúp chúng em hiểu rõ hơn về giá trị truyền thống, nét văn hóa của cha ông, từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa độc đáo này".


Còn em Nguyễn Đức Hạnh, học sinh lớp 5A5, trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, hiện đã có thể vừa chơi đàn tốt, vừa hát rất hay. Em cho biết: "Em được học hát then từ khi còn học mẫu giáo, em rất thích hát then và thuộc một số bài có chủ đề ca ngợi đất nước quê hương, con người... Em rất tự hào vì em biết hát then".


Có thể nói, việc đưa hát then vào nhà trường đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Lạng Sơn; vì vậy ngành giáo dục tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này trong những năm tới đây.


Bài và ảnh: Thắng Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN