Bảo tồn văn hóa Dao từ việc bảo tồn những nghi lễ truyền thống. |
Trong bối cảnh hiện nay, các tộc người thiểu số nói chung, người Dao nói riêng đang có nhiều cơ hội lựa chọn các giá trị văn hóa cho mình, nhằm phù hợp với điều kiện sống mới, song điều đó cũng là nguyên nhân khiến một số giá trị văn hóa bị mai một, biến đổi. Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của người Dao hướng tới phát triển bền vững tộc người trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa là yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Đặc sắc văn hóa dân tộc Dao
Trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào dân tộc Dao đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần mang đậm sắc thái riêng của mình, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Các giá trị văn hóa được thể hiện rõ nét trong cấu trúc làng bản, kiến trúc nhà ở, trang phục, trang sức, ẩm thực, nghề truyền thống, trong các lễ hội, những bài dân ca, dân vũ...
Lấy ví dụ từ việc đồng bào Dao sáng tạo ra những ngôi nhà truyền thống. Khác với các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc chỉ có một loại hình nhà truyền thống, đồng bào người Dao lại tùy theo điều kiện địa hình, khí hậu khác nhau để sáng tạo ra ba loại hình nhà, đó là nhà nền đất trình tường, nhà nửa sàn nửa đất và nhà sàn. Theo đó, ở địa bàn vùng cao có nhiều sương mù, ẩm ướt thuộc sườn núi Hoàng Liên, người Dao chủ yếu ở nhà trình tường nền đất, vừa chống ẩm, chống rét, chống nóng. Ở địa hình đồi núi nhấp nhô, không bằng phẳng, người Dao sáng tạo ra nhà nửa sàn nửa đất, với phần nền đất làm bàn thờ là không gian thiêng để tổ chức các nghi lễ hoặc làm bếp, phần nhà sàn để ngủ, nơi để nước. Ở vùng thấp thuộc các huyện Bảo Yên (Lào Cai), Trấn Yên (Yên Bái), người Dao làm nhà sàn tương tự như nhà sàn người Tày...
Trang phục truyền thống của đồng bào Dao rất đa dạng, bao gồm quần, áo, váy, yếm, khăn, mũ đội đầu được làm từ bàn tay chăm chỉ, khéo léo của phụ nữ, nguyên liệu chính từ vỏ cây lanh, sợi lanh dệt thành tấm vải mộc, nhuộm vải bằng cây chàm, cắt khâu may thành trang phục với sự thêu thùa, trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo mang sắc thái vẻ đẹp thiên nhiên như hoa rừng, thế núi, hình song, đồng thời gửi gắm những tình cảm, ước vọng về cuộc sống tốt lành, sung túc. Điều đáng nói là, trong cộng đồng người Dao có nhiều nhóm, nhiều ngành, nhiều địa phương, và ở từng nhóm, ngành hoặc địa phương khác nhau, màu sắc trang phục, hoa văn, họa tiết cũng khác nhau. Và chính những màu sắc, hoa văn, họa tiết trên trang phục của phụ nữ Dao là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt giữa các nhóm, ngành khác nhau trong cộng đồng dân tộc Dao.
Bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Dao. |
Theo Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, điểm nổi bật trong kho tàng di sản văn hóa người Dao là sự phong phú các thể loại, sự tinh tế giàu bản sắc ở các thành tố văn hóa dân gian. Người Dao là tộc người có kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, với đầy đủ các loại hình. Về nghệ thuật ngôn từ, người Dao có cả một kho tàng thơ ca dân gian, hệ thống truyện thơ, có một hệ thống truyện cổ, tục ngữ, câu đố, sử thi... Về nghệ thuật tạo hình, bên cạnh hoa văn trên nền vải trang phục rực rỡ sắc màu, người Dao còn có loại hình tranh thờ nổi tiếng, tranh cắt giấy, khắc gỗ, tượng tròn, làm mặt nạ... Nghệ thuật diễn xướng gắn liền với các nghi lễ xuyên suốt cuộc đời người Dao. Riêng lễ Pút Tồng của người Dao đỏ ở Tả Phìn (Sa Pa), đã có 58 điệu múa khác nhau. Suốt cả cuộc đời từ khi cất tiếng khóc chào đời, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người Dao đều đắm mình trong dòng suối dân ca, với nhiều loại hình nghi lễ, sinh hoạt, giao duyên... Hệ thống tri thức dân gian, tri thức bản địa cũng khá độc đáo, nhất là tri thức bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, dùng thuốc chữa bệnh...
Bên cạnh các giá trị mang sắc thái riêng, văn hóa truyền thống người Dao còn mang nhiều giá trị chung như phản ánh một dân tộc bất khuất, quật cường, luôn nổi dậy chống cường quyền áp bức, đồng thời cũng khẳng định dân tộc Dao là một dân tộc giàu lòng hiếu khách, luôn trọng tình cảm, bao dung, có khả năng thích nghi cao, giàu sáng tạo, hiếu học... những giá trị này đã, đang và sẽ trở thành nguồn lực trong phát triển văn hóa Dao.
Hội nhập và những thách thức Dao là một trong số 54 tộc người thiểu số ở nước ta, cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Căn cứ vào các đặc điểm văn hóa tộc người, các nhà khoa học đã chia dân tộc Dao thành một số nhóm chính gồm: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao quần chẹt, Dao Lô găng (Dao Thanh Phán), Dao Tuyển (Dao áo dài), Dao Thanh Y, Dao quần trắng, Dao Coóc Mùn... |
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, khi việc tiếp cận ngày càng rộng rãi với các phương tiện nghe nhìn, cộng với sự giao thoa và tiếp biến giá trị văn hóa của các dân tộc, các tộc người thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng đang có nhiều cơ hội lựa chọn các giá trị văn hóa cho mình, nhằm phù hợp với điều kiện sống mới. Những giá trị mang tính bản sắc dù bền vững cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, nếu bảo tồn không tốt sẽ có nguy cơ mai một, biến đổi.
Chị Triệu Thị Vinh, người Dao quần chẹt ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ thừa nhận, ở địa phương chị, nhiều bạn trẻ sau khi ra ngoài xã hội đi làm, đi học, không còn giữ được bản sắc của dân tộc mình. Nhiều người khi ra đường ngại không muốn mặc quần áo của dân tộc mình, thậm chí có người còn không nói được tiếng Dao. Các lễ hội hiện nay chủ yếu là do đàn ông và người lớn tuổi tham gia. Các bài hát giao duyên cũng chỉ có các mẹ, các bà lớn tuổi nhớ và biết hát, chứ các bạn trẻ không mấy người biết hát.
Thực tế cho thấy, không chỉ ở quê chị Vinh, mà ở nhiều địa phương khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Do đồng bào người Dao sinh sống xen kẽ với các dân tộc khác, nên thế hệ trẻ lớn lên không biết hoặc không nói được chính tiếng mẹ đẻ của mình, nhất là những làn điệu dân ca, dân vũ, hát páo dung, hát giao duyên... trong các sinh hoạt nghi lễ đã có nhiều biến đổi, biến dạng và có nguy cơ mất bản sắc. Ở nhiều nơi, trong đám cưới truyền thống của đồng bào Dao, cô dâu mặc váy nhiều tầng, chú rể mặc comle... chứ không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ngay cả những làn điệu páo dung đối đáp giao duyên mượt mà, tha thiết quyến rũ lòng người trong đám cưới cũng dần mất đi, và được thay thế bằng những ca khúc nhạc trẻ. Bên cạnh đó, các thế hệ trẻ người Dao ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ, cuộc sống hiện đại, nên việc thế hệ trẻ sử dụng và tiếp nhận các tri thức dân gian từ thế hệ cha ông không còn được mặn mà như trước.
Tái hiện đám cưới người Dao tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc. |
Ngày nay, những nghệ nhân, người am hiểu, cử hành được những nghi lễ trong đời sống văn hóa người Dao ngày càng ít đi. Một bộ phận lớp trẻ người Dao lại thờ ơ với văn hóa truyền thống, một phần không được truyền dạy một cách hệ thống nên dần dần bị mai một. Thêm vào đó, để đảm bảo đời sống kinh tế gia đình, học hành, nên nhiều nghi lễ trong văn hóa của đồng bào Dao được giản tiện, để tiết kiệm thời gian, chính vì vậy mà ý nghĩa giáo dục, truyền tải văn hóa tộc người đến cộng đồng bị hạn chế, do đó mà sự liên kết, gắn bó giữa các thế hệ trong một gia đình trong dòng họ hay cộng đồng có nguy cơ lỏng lẻo, và không bền chặt như trong truyền thống, điều này cũng ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, và phát huy các giá trị văn hóa của tộc người Dao xuất phát từ trong môi trường gia đình và cộng đồng.
Theo bà Triệu Mùi Say, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc, hiện nay có một việc làm ảnh hưởng sai lệch đến trang phục truyền thống của các dân tộc, đó là, một số nhà thiết kế đã tùy tiện chắp các hoa văn, may trang phục cách điệu để biểu diễn, diễu hành hoặc đồng phục học sinh trường dân tộc nội trú, nên có tình trạng, có khi, một người mặc trên mình hoa văn trang phục của cả 2 - 3 dân tộc. Có nhà thiết kế lại may trang phục biểu diễn “cô gái Dao quần chẹt múa chuông” là quần áo màu trắng, màu vàng hoặc màu đỏ, gây phản cảm cho người Dao, bởi họ không biết rằng, người Dao chỉ mặc đồ trắng trong đám tang, còn áo đỏ, áo vàng thì chỉ thầy cúng mặc khi hành lễ, phụ nữ không bao giờ được mặc màu này.
Rõ ràng, việc tiếp thu và giao thoa các nét đẹp văn hóa giữa các dân tộc trong xu thế hiện nay là tất yếu, song nếu không có tầm nhìn xa hơn để định hướng việc tiếp thu có chọn lọc và giữ gìn bản sắc dân tộc mình thì nguy cơ mai một những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Dao đã và đang hiện hữu.
Tìm hướng bảo tồn
Có thể thấy rằng trong lịch sử và phát triển của dân tộc, người Dao đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc riêng, góp phần làm cho bức tranh văn hóa cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam luôn thống nhất trong đa dạng. Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu, tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, văn hóa các tộc người thiểu số ở Việt Nam nói chung, trong đó có người Dao nói riêng đang biến đổi để thích ứng với điều kiện mới. Sự biến đổi ấy là hết sức cần thiết, bởi nó sẽ làm phong phú hơn các giá trị văn hóa, song cũng đặt ra không ít những thách thức, cần được nhìn nhận, đánh giá và tìm hướng bảo tồn một cách hiệu quả và bền vững.
Nói về hướng bảo tồn văn hóa Dao thời hội nhập, hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý đều cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa dân tộc Dao nói riêng, cần đặc biệt chú trọng một số phương diện, như tiếng nói, chữ viết, tập tục và trang phục. Theo các nhà nghiên cứu, một dân tộc không còn trang phục truyền thống, không có tiếng nói và chữ viết của mình thì sẽ dần bị đồng hóa, sẽ bị hòa tan. Và để bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, tập tục... một cách tốt nhất, cần có sự tham gia của Nhà nước, của các cơ quan và đặc biệt là của đồng bào dân tộc Dao, những chủ thể văn hóa, đặc biệt là vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao trong việc truyền đạt, hướng dẫn cho thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.
Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, biến đổi văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số ở Việt Nam nói chung, của người Dao nói riêng là điều tất yếu và không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là trong quá trình biến đổi ấy, phải lựa chọn duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa cốt lõi, đặc trưng của người Dao, đồng thời hạn chế những yếu tố văn hóa không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội... làm được điều đó, chính là góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của người Dao hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
* Ông Triệu Bình – Vụ Dân tộc, văn phòng Quốc Hội: Gìn giữ, bảo tồn sách cổ của người Dao Những cuốn sách cổ của người Dao là di sản văn hóa quan trọng, nguồn sử liệu quý, là chìa khóa để mở cánh cửa nghiên cứu về văn hóa dân tộc Dao. Các sách cổ ghi lại quá trình di trú gian nan vất vả của dân tộc Dao, cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông trong việc chinh phục thiên nhiên, phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc Dao, hay ghi chép gia phả của từng dòng tộc cụ thể... trong đó, phần lớn là sách cúng, tiếp đến là sách về tập tục trong hôn lễ, sách truyện cổ, truyện thơ, sách lịch sử... Tuy nhiên, hiện các sách cổ của người Dao đang bị mai một và có nguy cơ b ị biến mất hoàn toàn. Nhiều sách bị hư hỏng, chỉ còn một số ít gia đình làm thầy mo, hoặc thầy cúng còn giữ lại, nhưng phần lớn là sách nghi lễ. Một số ít sách còn được một số gia đình lưu giữ, nhưng lại không biết chữ, nên không phát huy được giá trị. Nếu không có sự quan tâm, biện pháp kịp thời để bảo tồn những báu vật này, thì di sản văn hóa của đồng bào người Dao sẽ ngày càng mai một. * TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Cần có cơ chế và chính sách phù hợp Đồng bào Dao có một cơ chế bảo tồn di sản văn hóa truyền thống khá bền chặt, đó là truyền thống toàn dân luôn tôn trọng giá trị di sản văn hóa truyền thống. Đó là cơ chế tổ chức với hệ thống các thầy cúng - những tri thức dân gian được đào tạo cơ bản trở thành người uy tín tư vấn, định hướng bảo vệ văn hóa truyền thống. Đó cũng là các chế tài bảo vệ di sản văn hóa truyền thống được phát huy như dư luận làng, luật tục làng. Hiện nay, một số giá trị di sản văn hóa bị mai một, nhưng nếu phát huy cơ chế bảo tồn văn hóa truyền thống, có những chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống người Dao, các giá trị di sản văn hóa Dao sẽ được bảo tồn, thích ứng với xã hội mới. * Ông Bàn Minh Đoàn, Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang: Tôn vinh văn hóa dân tộc để đồng bào có ý thức bảo tồn Tổ chức các cuộc thi, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân tộc; tổ chức đào tạo cán bộ nghiên cứu là người dân tộc tại chỗ; tổ chức giao lưu với các tỉnh, khu vực, đẩy mạnh công tác nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể, sưu tầm có hệ thống, tổ chức kiểm kê bảo quản và trưng bày các hiện vật lịch sử, về trang phục, ẩm thực, lễ hội. Duy trì và phát triển các ngành nghề tuyền thống, chế tác nhạc cụ, định kỳ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như ngày hội văn hóa, ngày lễ Tết, liên hoan dân ca, dân vũ, thi chế tác nhạc cụ dân tộc, thi ẩm thực, ca hát... qua đó tôn vinh văn hóa dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, giúp đồng bào có ý thức bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, phát triển chữ viết của người Dao, khuyến khích đồng bào, đặc biệt là các bạn trẻ học tiếng Dao, khuyến khích các nghệ sỹ sáng tác bằng tiếng song ngữ Dao. Phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu, mở các lớp truyền dạy thêu hoa văn trên vải, sử dụng nhạc cụ dân tộc, truyền dạy dân ca, dân vũ... xuất bản sách về thơ ca, truyện của đồng bào Dao. Đặc biệt, cần thống kê các nghệ nhân người Dao, và có những chính sách đãi ngộ để các nghệ nhân thực hiện truyền dạy cho các thế hệ trẻ. |