Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà

Được ví như “Hạ Long trên cạn”, hồ Thác Bà (huyện miền núi Yên Bình, Yên Bái) có diện tích tự nhiên 23.400 ha, trong đó diện tích mặt nước là 19.505 ha.

Trải dài 80 km từ huyện Yên Bình đến Lục Yên, hiếm có hồ nước nhân tạo nào lại có nhiều công dụng như hồ Thác Bà: Sản xuất điện, ngăn lũ, điều hòa khí hậu, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt...

Hồ Thác Bà là tuyến đường thủy quan trọng để vận chuyển khách, vận chuyển nguyên liệu từ các mỏ khoáng sản về phục vụ sản xuất công nghiệp. Có sức chứa hàng tỷ mét khối nước, hồ là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn hộ dân thành phố Yên Bái. Không những thế, do môi trường thuận lợi, hồ là nơi sinh sống của hàng trăm loại thủy sản có giá trị... Phát huy lợi thế đó, huyện miền núi Yên Bình đang duy trì 315/375 lồng cá trên hồ Thác Bà, sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản đạt trên 2.500 tấn.

Song một thực tế đáng báo động hiện nay là tình trạng dân chài dùng "kích tay" lấy nguồn điện từ bình ắc quy, "đầu nổ" (loại này có đủ sức truyền dòng điện lan xa, sâu đến 6 - 7 m) để đánh bắt cá trên hồ Thác Bà đang làm tận diệt nguồn lợi thủy sản nơi đây. Ông Trần Văn Toại, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, có thâm niên hơn 20 năm sống nghề chài lưới, cho biết: "Nếu cứ đánh bắt bình thường thì nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà không bao giờ cạn kiệt.

Huyện Yên Bình (Yên Bái) có nhiều cố gắng bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà.


Nhưng từ khi xuất hiện các loại kích điện, đặc biệt, dân chài dùng lưới mắt nhỏ thì cá nhỏ, tôm cũng hết. Đã lâu lắm rồi tôi chưa bắt được con cá nào to. Ngày trước chỉ cần thả vài mẻ lưới là thu về mấy tạ cá mà toàn cá mè to". Chính vì sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản của hồ Thác Bà mà nhiều người dân đã phải chuyển nghề khác. Xã Mông Sơn có 923 hộ dân, với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 30% số hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên hồ nhưng nay chỉ còn khoảng 10 - 12% số hộ theo nghề này.

Ông Đinh Hùng Vĩ - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Xã Mông Sơn được giao bảo vệ 2.900 ha mặt nước, trước kia người dân thường dùng mìn đánh cá nhưng giờ họ không dùng mìn. Để bảo vệ nguồn thủy sản, xã thành lập Đội bảo vệ tự quản ở địa phương. Các thôn giao cho mỗi gia đình quản lý một diện tích mặt hồ nhất định, khi có dấu hiệu đánh bắt bằng mìn, kích điện thì báo cho đội tự quản và chính quyền địa phương để xử lý".

Phát huy lợi thế diện tích mặt nước, trong những năm gần đây, Yên Bình đã có Nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản, trong đó tập trung nuôi thả, hạn chế đánh bắt tự phát. Tận dụng ưu thế về diện tích mặt nước hồ Thác Bà, các ao, hồ, đầm hiện có để nuôi thủy sản. Trong đó chú trọng phát triển nuôi cá lồng có năng suất, chất lượng cao đưa tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn huyện đạt 2.500 tấn/năm trở lên.

Tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 01/2011, ban hành quy chế quản lý khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Nghiêm cấm những hành vi khai thác thủy sản bằng chất độc hại, chất nổ, dòng điện và các phương pháp có tính hủy diệt khác; xả thải hoặc để rò rỉ các chất độc hại, chất gây ô nhiễm chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn xả vào môi trường xung quanh; sử dụng lưới vét có kích thước mắt nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản...

UBND tỉnh Yên Bái đã giao Chi cục Thủy sản của tỉnh có trách nhiệm tổ chức thả bổ sung cá giống xuống hồ Thác Bà và những vùng nước lớn khác hàng năm để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Kinh phí phục vụ cho việc thả cá giống được bố trí hàng năm từ ngân sách tỉnh, từ nguồn quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản của tỉnh, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án về nghiên cứu điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ, phát triển nguồn lợi, đặc biệt ưu tiên các chương trình dự án giúp đỡ ngư dân nghèo phát triển nghề nuôi thủy sản.

Ông Hoàng Xuân Nguyên, Bí thư Huyện ủy Yên Bình khẳng định: Các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản trên các vùng, hồ, sông, suối thuộc diện tích mặt nước sở hữu cộng đồng phải đăng ký với chính quyền địa phương và chấp hành việc quản lý chuyên ngành của Chi cục Thủy sản. Việc nuôi cá lồng, bè phải thực hiện đăng ký phương tiện (bè cá) với Chi cục Thủy sản của tỉnh. Vị trí đặt lồng, bè nuôi cá phải đảm bảo không gây cản trở giao thông đường thủy.

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN