Bất cập trong quản lý vỉa hè

Ở những khu vực thành thị, vỉa hè được xem như là tài sản có giá trị trong hoạt động kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên hầu hết việc kinh doanh ở vỉa hè đều vi phạm các quy định như lấn chiếm lối đi, lòng đường; không xin phép hoặc ở các vị trí cấm,... Khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra xử lý thì người kinh doanh vội vã dọn dẹp, tháo chạy nhưng lúc ngơi ra là lại bày bán la liệt.


Có thể nói cơ sở hạ tầng giao thông nước ta đang yếu kém thì việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh không chỉ gây cản trở giao thông mà còn làm mất mỹ quan nơi đô thị, tạo ra những hình ảnh nhếch nhác. Tuy nhiên trong các cuộc họp, nhiều ý kiến yêu cầu các cơ quan chức năng phải trả lại lòng đường, vỉa hè. Song chính các cơ quan chức năng cũng băn khoăn trước câu hỏi: lòng đường, vỉa hè là của ai?, ai là người sở hữu đích thực? và nếu đòi lại lòng đường vỉa hè thì ai trả?, trả cho ai?. Đó là cả một câu chuyện dài và rất phức tạp, khó lý giải. Vẫn biết, việc xử lý vi phạm vỉa hè không dễ bởi vướng cả lý, tình và còn chồng chéo trong quản lý. Một vỉa hè, tuyến phố có nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được cấp phép hoạt động. Chính sự nhùng nhằng đó đã dẫn đến sự tồn tại trong nhiều năm qua tình trạng các hộ dân ngang nhiên sử dụng trái phép vỉa hè.

Được biết, hiện nay tại các địa phương, Sở GTVT có nhiệm vụ tổ chức giao thông ở lòng đường, vỉa hè các tuyến phố, còn việc quản lý hoạt động ở vỉa hè lại do UBND huyện, phường quản lý. Thường thì quận giao lại cho phường quản lý và cấp phép sử dụng để có nguồn thu. Huyện, phường vừa có trách nhiệm giữ trật tự đô thị, vừa được giao nhiệm vụ thu thuế kinh doanh trên phần diện tích cấp phép sử dụng. Từ đó, đã tạo quy định người dân đóng thuế, nộp phí trên vỉa hè thì được kinh doanh mà kinh doanh thì lấn chiếm vỉa hè, phần lòng đường - mâu thuẫn với việc tổ chức giao thông của Sở GTVT. Điều này tạo nên cái vòng luẩn quẩn trong quản lý vỉa hè hiện nay ở các địa phương, bởi một bên hô hào nộp thuế, phí để quản lý, một bên hô hào trật tự trên vỉa hè.

Chính vì vậy, để thiết lập lại trật tự hè phố, nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm và sự chung tay của cả cộng đồng để phố phường có vỉa hè, lòng đường theo đúng nghĩa thì đòi hỏi trước tiên các cơ quan chức năng phải có những quy định chặt chẽ về quản lý vỉa hè sao cho cân bằng được bài toán giữa lợi ích kinh tế và giải quyết ùn tắc. Điều này đòi hỏi các ngành liên quan cần sớm có sự điều chỉnh phù hợp, từng bước đồng nhất phương thức quản lý, điều hành, tránh những bất cập như đang tồn tại hiện nay.
Văn Thy Hoàng
Vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đường dạo ven Hồ Tây
Vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đường dạo ven Hồ Tây

Mặc dù quận đã nhiều lần ra quân xử lý các vi phạm trật tự đô thị tại các tuyến đường ven Hồ Tây, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều hộ vẫn thường xuyên vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, đường dạo ven hồ Tây

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN