Xóm Núi nằm bên sườn núi, ven bờ sông Ngàn Sâu. Ngày còn bé, ông nội tôi kể rằng từ lâu lắm rồi, những người dân miền xuôi đi tìm đất mới, họ ngược rừng đến đây, thấy đất đai tốt tươi, nước nôi dồi dào, bèn rủ nhau ở lại, chặt cây, san núi, khai hoang vỡ đất… lập nên làng. Biết bao mồ hôi, nước mắt chín nắng mười sương và cả máu của dân làng đổ xuống để cho Xóm Núi trở nên trù phú.
Những cái Tết đầu tiên đến với Xóm Núi, bên những mâm cỗ vùng sơn cước đầy ắp thịt béo, xôi dẻo, bánh ngon; bên mùi trầm hương ngào ngạt, người dân lên khai phá miền đất mới vẫn thấy có cái gì trống vắng. Thì ra là cái trống vắng thiếu sắc hồng của hoa đào. Cái màu hoa Mùa Xuân thân thiết, gần gũi, hồng hào trước cửa mỗi nhà, trên bàn thờ nơi chốn quê xưa, làm vui, làm ấm áp biết bao không khí Tết. Hiểu lòng mọi người, người già trong làng họp lại, cử những thanh niên khỏe mạnh vào rừng sâu, lên núi cao tìm đào.
Những hạt đào giống, những cây đào con được họ mang về. Ngót 100 ngôi nhà của Xóm Núi ươm trồng hơn 100 cây đào giống. Được bàn tay người chăm bẵm, năm nối năm, những cây đào lớn lên xanh tốt. Và khi những hạt mưa ấm áp lất phất bay, khi những vầng nắng trong vắt tỏa xuống, hơn 100 cây đào Xóm Núi bật nở những cánh hoa. Cả Xóm Núi như được choàng một làn mây hồng trắng của sắc hoa đào. Ấy là mùa xuân đã về!
Xóm Núi đang bình yên thì những ngày tháng 9 năm này, bão tố liên miên ập vào miền Trung, bão kéo theo mưa lũ ập vào Xóm Núi. Gió gầm rít điên loạn, bầu trời đen sì mây như sập xuống. Mưa! Mưa! Như bao nhiêu nước tích tụ trên bầu trời theo bão dồn cả về đây. Và nước! Nước ầm ào, cuồn cuộn, sôi réo, thét gào. Dãy Trường Sơn sạt lở.
Nước cuốn theo bùn, đất, đá, cây rừng…tràn qua xóm nhỏ, xô cây bật gốc, cuốn phăng nhà cửa, cuốn đi cả những con người bao đời thủy chung với đất, với nước. Con sông Ngàn Sâu mềm mại như dải lụa, ảo mờ như sương khói cũng trở nên hung dữ, chồm lên hợp sức cùng gió bão, mưa lũ, dâng trào thành biển cả. Chỉ sau vài ngày đêm, cái Xóm Núi ngời ngợi màu xanh non tơ, điêu tàn như thuở hồng hoang. Một bãi bùn nhớp nháp, sền sệt màu chết chóc mênh mông, lặng ngắt phủ lên nơi miền quê trù phú.
Gần Tết Giáp Ngọ năm này, tôi trở về Xóm Núi của tôi với nỗi niềm thấp thỏm. Quê hương tôi sẽ ra sao trong cơn biến động của đất trời? “ Người” đầu tiên tôi gặp là con sông Ngàn Sâu. Con sông độ tháng 9 dữ dằn như một hung thần, nay đã hiền hòa chảy, dưới cái nắng cuối đông vàng đến ngơ ngẩn, con sông mỏng mảnh như sợi khói lam chiều vương vít. Tôi ngỡ ngàng khi đặt bàn chân run rẩy của mình lên Xóm Núi quê nhà. Ngan ngát màu xanh rau, xanh ngô, xanh khoai, xanh bí, xanh bầu… phủ kín cả cái màu đất nâu đen như nham thạch phun trào của những ngày tháng 9 dữ dằn ấy. Xóm Núi đã hồi sinh. Mùi rau xanh, mùi ngô non, mùi khoai bở, mùi lộc cây, mùi lúa lên đòng trộn trong mùi phù sa lắng lại sau cơn lũ gợi cho tôi cái vị mặn của mồ hôi, của nước mắt và cả máu đỏ… gợi cho tôi rạng rỡ những nụ cười cùng sự ấm no, bình yên lại đến, đang về…
Tôi ngủ say sưa trong căn nhà mẹ tôi, em tôi cùng bà con đã chung sức, góp công dựng lại. Căn nhà đơn sơ, kèo cột bằng cây rừng, mái lợp bằng cỏ tranh cắt về từ sườn núi. Đêm yên ả. Ngập tràn trong giấc mơ tôi là là tiếng mầm non nẩy tí tách, là màu hoa đào sóng sánh quyện trong mùi trầm hương ngan ngát. Tôi dậy muộn và bước ra ngoài. Sững sờ cả người, tôi dụi mắt mấy lần mà cứ ngỡ mình đang mơ. Những cây đào Xóm Núi bị mưa dập, gió xoáy, nước vùi đã được mẹ tôi, em tôi, người dân quê tôi chống dựng lại, vun gốc, sửa cành, vuốt lá… đang bật lên những mầm xanh. Lá đào non tơ, nhọn hoắt, mềm mại, xanh mát.