Trong số 3 cháu bé được đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu chiều 5/8 do ngộ độc thịt và trứng cóc, một cháu bé đã tử vong.
Ngày 6/8, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho biết: cháu bé tên là H’Tuyết Niê (2 tuổi) đã tử vong. Hiện, bệnh viện đang tích cực điều trị cho 2 cháu còn lại. Đến ngày 6/8, 2 cháu đã hết nôn ói, ăn uống được, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi và điều trị.
Trước đó, vào khoảng 12 giờ ngày 5/8, khi chị H’Jút Niê (sinh năm 1990, trú tại buôn Cư Knia, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đi làm rẫy về thì phát hiện các em của chị là Y Chim Niê (9 tuổi) và Y Wi Niê (4 tuổi) đang bị nôn ói liên tục, còn H’Tuyết Niê (2 tuổi) thì nằm li bì, bất tỉnh.
Khi chị H’Jút Niê hỏi, Y Chim Niê cho biết đã làm thịt cóc và cả 3 anh em cùng ăn. Nghi ngờ 3 em bị ngộ độc, người thân trong gia đình đã lập tức đưa các em đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu.
Chị H’Jút Niê cho biết: Vào sáng cùng ngày, Y Chim Niê cùng gia đình đi rẫy, đến gần trưa Y Chim Niê về nhà trước để nấu cơm. Trên đường về nhà, Y Chim Niê bắt được một con cóc và mang về làm thịt; phát hiện trong bụng cóc có một buồng trứng, do không biết trứng cóc cũng có độc nên Y Chim Niê không bỏ đi mà lại đem nấu chung với thịt cóc, sau đó còn nhường cho em gái của mình là H’Tuyết Niê ăn toàn bộ số trứng cóc.
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) khuyến cáo người dân không nên mạo hiểm ăn thịt cóc. Tuy thịt cóc chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng độc tố của cóc có rất nhiều ở nội tạng, trứng, da, nếu chế biến không cẩn thận rất dễ bị nhiễm độc.