Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009 - 2013, đề xuất Phương án cơ chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014.
Cân nhắc việc nâng mức thuế suất thuế tài nguyên
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; là công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật; góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Số thu thuế tài nguyên năm 2009 là 19.392 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng số thu ngân sách Nhà nước; đến năm 2012 là 41.313 tỷ đồng, chiếm 5,58% tổng số thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. |
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế hiện nay, cần nghiên cứu, cân nhắc đối với việc tăng mức thuế suất thuế tài nguyên. Nếu tăng, cần xem xét mức tăng hợp lý, tránh gây “sốc” thị trường, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có đánh giá sâu về việc tăng mức thuế suất thuế tài nguyên tác động như thế nào đến đời sống người dân ở các vùng có khoáng sản, các địa phương có khoáng sản, doanh nghiệp khai thác khoáng sản...
Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, chuẩn bị thêm để trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sau.
Duy trì cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Kho bạc Nhà nước
Theo Tờ trình của Chính phủ, qua 3 giai đoạn thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Kho bạc Nhà nước đã đạt kết quả khá tích cực.
Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép từ năm 2014 trở đi, Kho bạc Nhà nước được tiếp tục duy trì ổn định biên chế và lao động theo chỉ tiêu biên chế được Chính phủ và Bộ Tài chính giao hiện nay.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước là hợp lý, gắn với mục tiêu và kết quả hoạt động của ngành, lĩnh vực. Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị để tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế, Kho bạc Nhà nước khoán cần tuân thủ các nguyên tắc: mọi khoản thu, chi phải bảo đảm đúng quy trình lập dự toán, chấp hành, quyết toán và đúng thẩm quyền quyết định ngân sách Nhà nước của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống Kho bạc Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về chủ trương tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước; đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội để hoàn chỉnh Tờ trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông báo ý kiến để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định mới về thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Kho bạc Nhà nước thay thế quyết định cũ.
Khẩn trương chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội... sớm hoàn thiện các văn bản chuẩn bị tốt cho các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9, 10 và đặc biệt là Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII - kỳ họp sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự án Luật Đất đai và nhiều nội dung quan trọng khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay. Tại hội nghị này, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận sâu sắc hơn về các nội dung quan trọng, tạo sự đồng thuận trước khi trình ra Quốc hội khóa XIII xem xét tại Kỳ họp thứ 6.
Phúc Hằng