Tản mạn cuối tuần

Bện chổi rơm

Những năm 80 của thế kỷ trước vào khoảng tháng hai âm lịch, trời vẫn còn rét và lất phất mưa xuân, không khí nồm ẩm, đường sá lép nhép là lúc ông, bà nội tôi lấy rơm từ giác bếp xuống để bện chổi.


Rơm dùng để bện chổi phải là loại rơm nếp, được thu hoạch từ vụ mùa năm trước. Hàng năm, cứ đến vụ gặt lúa mùa (vụ hè thu), bà nội tôi lại đi tuốt lúa hộ mấy nhà trong xóm và xin rơm nếp về để sau này làm chổi.


Những năm đó máy tuốt lúa chưa có, khi gặt về nông dân thường dùng các biện pháp thủ công như đập, tuốt, vò để thu được hạt thóc. Lúa nếp dai hơn lúa tẻ, do đó người ta thường phải dùng đôi đũa tuốt từng bông để lấy hạt, cũng chính vì nó dai như thế nên người ta mới chọn rơm nếp để bện chổi.


Trong những ngày bà đi tuốt lúa, thường thì cứ một, hai tiếng tôi lại chạy sang nhà hàng xóm để mang bó rơm mà bà vừa tuốt được về để ông ở nhà chia thành những bó nhỏ tầm khoảng một chít tay rồi đem phơi nắng. Vài hôm sau, khi rơm đã khô vàng, hai ông cháu lại xếp gọn gàng trên gác bếp để qua Tết mang ra bện chổi.


Rơm được lấy xuống, vẫn theo từng bó, ông kê lên thớt và dùng dao chặt bỏ phần đầu mặt của cọng rơm, sau đó chuyển cho bà và tôi rút lấy phần sợi. Ông dùng sợi lạt nhỏ và mềm để bó những sợi rơm vàng óng thành từng lọn nhỏ (những sợi lạt này được chẻ để gói bánh chưng tết, gói xong còn thừa ông quấn lại và cũng gác lên gác bếp, khi dùng để bện chổi thì lấy xuống ngâm vào chậu nước mấy tiếng cho lạt mềm và dai trở lại). Thường thì mỗi cái chổi to dùng 5 lọn rơm, chổi nhỏ dùng 3 lọn, ông chỉ bện chổi to thôi, còn chổi nhỏ để cho tôi tập bện.


Dăm, bẩy sợi rơm được bện với nhau để thành sợi dây, rồi dùng chính sợi dây đó quấn chặt lọn rơm từ phần lạt buộc lại, được hai hay ba vòng lại ghép thêm một lọn rơm khác. Cứ thế những lọn rơm được xếp phẳng với nhau, còn các sợi rơm đem bện lại, tiếp nối nhau thành sợi dây để quấn cán chổi. Khi cán chổi đã được quấn khoảng hơn gang tay, lúc đó chuyển sang công đoạn chốt cán. Các sợi rơm được tết lại với nhau rất tài tình theo từng lớp nhỏ dần cho đến khi toàn bộ lõi rơm đã được khóa hết. Lúc đó ông dùng một đoạn tre dài chừng hai chục cm vót nhọn hai đầu ở giữa đập dập, xoắn lại để đóng cọc vào lõi cán chổi và cũng là để chốt nút rơm cuối cùng. Đóng cọc xong, ông dùng dao để cắt các đoạn rơm thừa sau khi được khóa tạo thành các con mắt nhỏ xếp vòng quanh cuống chổi, trông cứ như là một quả na nhỏ màu vàng, thế là một cái chổi đã hoàn thành.
Chổi bện xong, để mặt rơm được phẳng phiu, mềm mại ông cẩn thận dùng chiếc lược cũ làm bằng đuya-ra (kỷ niệm thời quân ngũ của ông) để chải hết những hạt thóc còn bám vào rơm, sau đó mới đem dùng.


Cứ mỗi năm, ông, bà tôi thường làm hơn chục cái chổi, vừa để dùng, vừa để làm quà biếu họ hàng, người thân, dùng hết sang năm lại làm. Ngày nay, nhà nông có máy tuốt lúa ngay tại cánh đồng. Gặt xong một loáng là thóc đã được đóng vào bao mang về, còn phần rơm, rạ để lại hết ngoài ruộng, vài hôm thấy khô khô là châm lửa đốt. Khói um từ làng quê lên đến thành phố, do đó không còn rơm nếp mà bện chổi nữa.


Lâu lâu không nhìn thấy cái chổi rơm, chợt nhớ lại những ngày xưa bện chổi.


Trần Minh Quang

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN