Bên lề quốc hội

Kết quả thực hiện Đề tái tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này. Một số đại biểu đã trao đổi với PV Tin Tức về vấn đề này:


Doanh nghiệp tự tái cơ cấu mình


Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Đoàn TP Hồ Chí Minh - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op) cho biết: “Trong tái cơ cấu, theo tôi trước tiên là tái cơ cấu đầu tư, quyết định đầu tư ở ngành nghề nào, địa bàn nào. Ví dụ như doanh nghiệp thương mại chúng tôi xác định thị trường phía Bắc, Hà Nội sẽ tiêu thụ hàng chậm hơn thị trường trong Nam. Do đó, với Hà Nội, doanh nghiệp sẽ chọn địa bàn, quy mô và nguồn lực ra sao cho phù hợp là bài toán cần tính toán trong quá trình tái cơ cấu, phân bổ lại nguồn lực. Đó là chưa kể so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn so với tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Chúng ta gặp nhiều khó khăn do vốn, công nghệ, kỹ thuật kinh nghiệm và cả về tiềm lực.

 


Tái cơ cấu nhìn nhiều giác độ khác nhau, trong tái cơ cấu doanh nghiệp thì trước tiên doanh nghiệp phải tự cứu mình và tự tái cơ cấu chính mình trước. Tất nhiên tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ và thúc đẩy rất mạnh bởi môi trường vĩ mô. Chúng tôi muốn tái cơ cấu tập trung nguồn lực cho bán lẻ và nếu không có môi trường vĩ mô, bao gồm không có quy hoạch của Nhà nước, chiến lược phát triển thương mại bán lẻ hiện đại thì doanh nghiệp muốn tái cơ cấu cũng không thể làm được. Chúng tôi trông chờ kế hoạch đó từ Nhà nước”.


Quy trách nhiệm cụ thể


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận xét: “Qua giám sát ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước cho thấy nợ ngân hàng nhiều. Bên cạnh đó, giám sát thực thi án dân sự có thực trạng là tòa tuyên nhưng không xử được và tồn đọng lớn. Chủ yếu là tình trạng vay tiền chiếm dụng vốn Nhà nước, thế chấp bằng đất, nâng cao giá trị thực sự của tài sản để vay tiền ngân hàng. Điều này dẫn đến nợ xấu và không thể đòi được.

 


Còn doanh nghiệp nhà nước, một số đơn vị làm ăn kém hiệu quả như Vinashin, Vinalines… Tình trạng này trước tiên do đầu tư ngoài ngành nhiều nên gây thất thoát vốn Nhà nước. Tuy chỉ là số ít nhưng gây hậu quả không nhỏ. Hiện Chính phủ đã có giải pháp tăng cường quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Khi thực hiện cổ phần hóa phải chọn người đứng đầu có năng lực và quy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị này”.


Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN