Tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Bắc đang xuất hiện tình trạng chó hoang mắc bệnh dại tấn công và gây bệnh cho nhiều người dân.
Còn theo đại diện ngành y tế, nguy cơ bùng phát bệnh dại là rất lớn nếu chúng ta không kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó.
Diễn biến phức tạp
Những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều người dân tại huyện Phổ Yên và Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) bị đàn chó lạ nghi mắc bệnh dại tấn công. Theo ghi nhận ban đầu, riêng tại huyện Phổ Yên có 83 người người bị súc vật nghi mắc bệnh dại cắn, trong đó 4 trường hợp bị thương nghiêm trọng ở vùng đầu, mặt, cổ; 15/18 xã trong huyện xảy ra tình trạng súc vật nghi mắc bệnh dại tấn công người... Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cùng cơ quan thú y địa phương đã lấy mẫu (trên đàn chó đã bị tiêu diệt sau khi tấn công người) đi xét nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. Kết quả, 2/3 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút dại.
Còn tại tỉnh Yên Bái, riêng 4 tháng đầu năm đã có hơn 2.500 người bị chó cắn, trong đó 5 người đã tử vong.
Đặc biệt, trong vòng chưa đầy hai tháng (từ đầu tháng 7/2013), tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đã có 88 người bị chó cắn. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 7/2013, tại huyện Sóc Sơn đã có 130 người bị chó cắn, tập trung ở các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Việt Long, Minh Phú. 4/4 mẫu chó của các xã này xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đều dương tính với vi rút dại.
8 tháng qua, cả nước đã có 175.035 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, trong đó có 64 người đã tử vong. |
Nhận định về nguy cơ bùng phát bệnh dại, nhất là ở một số tỉnh miền Bắc (Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình…), GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khẳng định: “Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ cho thấy, hầu hết mẫu xét nghiệm đều dương tính với vi rút dại, điều đó chứng tỏ vi rút dại lưu hành trên đàn chó là rất cao”.
Không có dịch trên chó, khó có bệnh trên người
Chỉ ra nguyên nhân vì sao tình hình bệnh dại diễn biến ngày một phức tạp, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định: “Tình hình bệnh dại ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - nước láng giềng với Việt Nam, tăng lên đáng kể sau năm 2000. Sau năm 2007, số ca tử vong do bệnh dại ở Trung Quốc tăng gấp 16 lần so với năm 1995. Do đó, việc giao lưu mua bán, vận chuyển giữa các đàn chó qua biên giới cũng làm gia tăng việc lây truyền bệnh dại”.
Ngoài ra, tâm lý chủ quan, cho rằng bệnh dại đã được khống chế, khiến công tác phòng, chống bệnh dại bị lơ là; cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại có nguy cơ bùng phát. Được biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã giảm sự quan tâm đầu tư cho công tác phòng chống bệnh dại. "Mặt khác, những năm gần đây, chúng ta phải đối mặt với nhiều bệnh dịch khác như dịch cúm H5N1, dịch SARS, sốt xuất huyết… nên đã giảm đầu tư cho phòng chống bệnh dại. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó thời gian gần đây rất thấp, nhiều nơi chỉ đạt khoảng 30%, tại các tỉnh miền núi trung du chỉ đạt khoảng 10% và thậm chí có tỉnh chưa tiêm phòng bệnh dại", GS. TS Nguyễn Trần Hiển cho biết.
Việt Nam đã khống chế thành công bệnh dại từ những năm 2000 (từ 410 ca tử vong do bệnh dại trong năm 1995 xuống còn 34 ca vào năm 2003). Tuy nhiên sau năm 2003 trở lại đây, bệnh dại có xu hướng tăng trở lại với khoảng 100 ca tử vong mỗi năm. Năm 2007 có 131 ca tử vong, năm 2011 là 110 ca và năm 2012 là 98 ca. Riêng trong 8 tháng năm 2013 đã có 64 ca tử vong vì bệnh dại xảy ra ở 19 tỉnh/thành phố, trong đó 90% tập trung ở các tỉnh phía Bắc. |
Để khống chế bệnh dại, theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, trước tiên, chính quyền các cấp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm túc Nghị định số 5/2007/NĐ - CP ngày 9/1/2007 của Chính phủ về việc quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật. Đó là chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại trên địa bàn. Đồng thời, huy động các ban ngành đoàn thể cùng người dân chủ động tham gia tích cực phòng chống bệnh dại, trong đó biện pháp chủ yếu là quản lý đàn chó. "Chính quyền các cấp phải vào cuộc, khẩn trương quyết liệt để kiểm soát bệnh dịch, nhất là trên đàn chó. Không có chó dại thì không có người mắc bệnh dại", GS.TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người dân cần khai báo việc nuôi chó cho chính quyền địa phương. Khi cho chó ra đường phải bịt mõm và có người dắt. Đặc biệt, phải tiêm vắc xin cho chó để chủ động dự phòng bệnh dại. Các chủ vật nuôi cần thường xuyên theo dõi động vật nuôi tại gia đình. Nếu có hiện tượng bất thường (chạy cắn người hoặc cắn động vật khác) thì phải nhốt ngay lại và báo với chính quyền địa phương. “Một số mẫu xét nghiệm lấy tại lò giết mổ chó cũng có kết quả dương tính với vi rút dại. Do đó, cần phải chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho nhóm người có nguy cơ cao như cán bộ thú y đi tiêm phòng cho chó, người đi bắt chó, người giết mổ chó…”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo.