Chiều 6/10, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) đã tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề về “Hội chứng mạch vành cấp” nhằm cập nhật những tiến bộ trong kỹ thuật can thiệp tim mạch trong công tác điều trị cho các bệnh nhân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhân viên y tế khám, tư vấn tăng huyết áp và thử đường huyết cho người dân. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN. |
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 200 bác sĩ chuyên khoa tim mạch đến từ các bệnh viện tại thành phố Cần Thơ, các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của Giáo sư – Bác sĩ Ramesh B. Daggubati, Giám đốc Chương trình Tim mạch can thiệp của Đại học East California (Hoa Kỳ).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2008 ước tính có 17,3 triệu người chết do bệnh lý tim mạch, chiếm 30% tử vong trên toàn cầu, trong đó 7,3 triệu chết do bệnh lý mạch vành và 6,2 triệu chết do đột quỵ. Xu hướng tử vong do bệnh lý mạch vành được dự báo ngày càng tăng và sẽ đạt 23,3 triệu người vào năm 2030.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh lý tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu so với các bệnh không lây nhiễm và lây nhiễm như: HIV, sốt rét, lao… 80% các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
Tại Việt Nam , tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến tim mạch có xu hướng ngày càng tăng rõ rệt. Đây được coi là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, luôn đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, mặc dù hầu hết các bệnh lý tim mạch được xác định là có thể phòng và điều trị khỏi nhưng hiện nay nhiều ca tử vong liên quan đến bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh lý mạch vành (một trong hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong) đều do không được chẩn đoán kịp thời, không được điều trị đúng và tích cực, không được quản lý và theo dõi tốt….
Theo giới chuyên môn, hiện có nhiều nguyên nhân khiến căn bệnh mạch vành ngày càng tăng do bệnh nhân mắc một số bệnh như : huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn lipid máu những người hút thuốc lá, béo phì hoặc gia đình có tiền sử người mắc bệnh mạch vành.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, biểu hiện thường thấy của hội chứng mạch vành là người bệnh thường có cảm giác bị nén, ép, nặng ngực. Một số người thấy khó chịu ở phần trên cơ thể, đau hoặc khó chịu ở cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm, hoặc bụng. Không ít trường hợp thấy khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, và choáng váng.
Tỷ lệ tử vong tuy cao, song bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp có thể có kết quả điều trị tốt bằng nhiều phương pháp. Trong đó, hiệu quả nhất là sử dụng các loại thuốc điều trị kháng đông huyết khối, đặt stent can thiệp mạch vành…
Riêng phương pháp đặt stent can thiệp mạch vành, từ tháng 12/2012 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã cấp cứu thành công cho hơn 100 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Mặc dù khẳng định các phương pháp điều trị ngày càng tiên tiến cứu sống nhiều bệnh nhân, tại hội thảo nhiều ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch vẫn cho rằng việc phòng bệnh vẫn là biện pháp hữu hiệu. Các bác sĩ khuyến cáo một số cách thiết thực nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý hội chứng mạch vành như: không hút thuốc, thường xuyên kiểm soát huyết áp, tiểu đường, tập thể dục, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý...
Thanh Sang