Sau hơn 2 năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh (từ năm 2013 - 2015) mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh đang dần đi vào “guồng”, nhiều ca bệnh nặng đã được thực hiện thành công ở tuyến dưới, đội ngũ y bác sĩ được nâng cao chuyên môn, trang thiết bị được đầu tư hiện đại... “Những kết quả đó đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt ngành y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá trong hội nghị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh - giảm quá tải bệnh viện khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc, diễn ra ngày 24/7, tại Hà Nội.Nâng cao năng lựcTheo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tính đến tháng 7/2015, Bộ Y tế đã thiết lập được mạng lưới 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh tại 36 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhờ Đề án Bệnh viện vệ tinh, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã xử lý được nhiều ca bệnh khó. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Trong hai năm thực hiện Đề án 1816 về tăng cường bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải bệnh viện, các bệnh viện hạt nhân đã tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu cho các bệnh viện vệ tinh như: Mở 6 lớp đào tạo cho hơn 7.000 lượt cán bộ bệnh viện vệ tinh, chuyển giao 791 lượt kỹ thuật cho hơn 2.300 cán bộ các kíp kỹ thuật. Thực hiện đề án, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương đầu tư cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo chuyển giao kỹ thuật. Nhờ đó, các bệnh viện tuyến dưới đã được nâng cao rõ rệt về trình độ chuyên môn cũng như cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện vệ tinh đã tăng khả năng điều trị được những ca bệnh khó.
Cụ thể, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thực hiện thành công 1 ca ghép thận, sắp tới sẽ thực hiện tiếp 2 ca, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bệnh viện cũng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu như: Chẩn đoán, sàng lọc ung thư sớm, điều trị ung thư bằng phẫu trị, hóa trị, xạ trị... Hay Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, trước khi chưa có đề án này một năm chỉ đủ năng lực mổ cho 5 trường hợp bệnh nhân ung thư, nhưng sau khi thực hiện đề án, đã thực hiện được 200 ca/năm.
Nhờ chuyển giao nhân lực và công nghệ từ các bệnh viện hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến cũng đã giảm rõ rệt: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ giảm số bệnh nhân tim mạch chuyển tuyến từ 40% xuống chỉ còn 0,9%; Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận đã giảm tỷ lệ chuyển viện đối với bệnh nhân chấn thương sọ não từ 3% xuống 2,5%.
Theo TS.Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội): “Khi tiếp nhận các bệnh nhân nặng chuyển lên chúng tôi đánh giá các bệnh viện tuyến dưới đã chuyển tuyến đúng và đã xử lý được những mức độ bệnh trong khả năng của tuyến dưới. Hy vọng thời gian tới, các bệnh viện tuyến dưới sẽ xử lý được những trường hợp nặng hơn nữa, giảm bớt cho tuyến trung ương. Chúng tôi có thể khẳng định năng lực các bệnh viện tuyến dưới đã được nâng cao rõ rệt, người dân cần có niềm tin vào các bệnh viện vệ tinh, không nên vượt tuyến khi không cần thiết”.
Tiếp tục khắc phục khó khăn
Bên cạnh những hiệu quả rõ rệt này, vẫn còn nhiều khó khăn mà các bệnh viện vệ tinh phải đối mặt trong quá trình thực hiện đề án, đặc biệt là vấn đề đào tạo nhân lực.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Tăng Chí Thượng, trong giai đoạn bổ sung nhân sự và đầu tư trang thiết bị theo yêu cầu của đề án, vấn đề khó khăn lớn nhất của các bệnh viện vệ tinh là việc chưa thể cử cán bộ đi đào tạo, vì vậy việc triển khai các kỹ thuật sau khi tiếp nhận, chuyển giao cũng bị hạn chế. “Số lượng y, bác sĩ chỉ có chừng ấy; nếu cắt một phần nhân lực đi đào tạo thì sẽ không đảm bảo hoạt động của bệnh viện, vì vậy hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể triển khai việc đào tạo nhân lực. Trong khi đó, những trang thiết bị, kỹ thuật y tế mới được chuyển giao lại đòi hỏi các cán bộ y tế phải có trình độ cao, cập nhật các kỹ thuật hiện đại; đây thực sự là một bất cập mà hầu hết các bệnh viện vệ tinh đều gặp phải”, một lãnh đạo bệnh viện vệ tinh chia sẻ.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ninh Bình chia sẻ: “Hiện tại bệnh viện đang thiếu nhân lực nên dù rất muốn cử cán bộ lên tuyến trên đào tạo thường xuyên để nâng cao chuyên môn, nhưng chúng tôi chưa thể làm được vì nếu các bác sĩ đi học thì không có ai làm”.
Bên cạnh khó khăn về nhân lực, nguồn kinh phí cũng là một “rào cản” với các bệnh viện vệ tinh hiện nay. Theo bác sỹ Lê Quốc Chánh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ: “Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị mới cho bệnh viện như: Điều trị ung thư phụ khoa; điều trị kỹ thuật ung thư đường tiêu hóa, sinh dục nam; kỹ thuật xạ trị ngoài các bệnh lý ung thư... nhưng bệnh viện vẫn đang phải chờ kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ các kỹ thuật mới, nên chưa thể áp dụng hết những kỹ thuật mới trong điều trị được".
Trước những thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo: Để giải quyết khó khăn về nhân lực, các bệnh viện vệ tinh cần chủ động bố trí, sắp xếp thời gian, “Nếu thiếu nhân lực không thể cử đi học thì hiện nay Bộ Y tế đã triển khai hệ thống Telemedicine, ứng dụng công nghệ thông tin có thể kết nối giữa các bệnh viện trong hệ thống bệnh viện vệ tinh nhằm trao đổi, tư vấn, đào tạo khám chữa bệnh từ xa. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức đang thực hiện tốt và có thể kết nối 12 - 14 bệnh viện vệ tinh cùng một lúc”, Bộ trưởng khẳng định.
Về kinh phí thực hiện, hiện tại Chính phủ đã đưa một số địa phương vào diện được vay vốn ODA; bên cạnh đó hiện cũng đã có một số nguồn vay lãi suất ưu đãi như gói 20.000 tỷ của Ngân hàng BIDV và sắp tới sẽ có thêm gói 28.000 tỷ của Ngân hàng Vietinbank để các bệnh viện vệ tinh có thể vay để thực hiện. “Với thực trạng bệnh nhân đông, nhu cầu về y tế lớn như hiện nay thì nguồn đầu tư này chắc chắn sẽ thu hồi nhanh, vì vậy các bệnh viện vệ tinh không nên ngần ngại khi cần vay vốn”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.