Tôi sống ở Nha Trang, thành phố độc đáo nhất của cả nước khi biển và phố cận kề nhau. Có thể tôi quen nhìn biển vì mỗi ngày đều đi qua con đường Trần Phú. Nhưng những người bạn của tôi mỗi khi gọi điện nhờ đặt phòng, họ yêu cầu phải lấy cho được khách sạn ở trên con đường biển, dù giá có cao. Với những người lâu lâu với chạm biển, khi chạm gặp là sự hân hoan đến lạ kỳ, để bất cứ giờ nào có thể, chạy ùa xuống biển để tận hưởng cái thú từng phân da thịt được vuốt ve. Chính những người bạn ấy dạy cho tôi biết rằng, tôi may mắn sống gần biển, cho nên tôi phải tận hưởng điều tôi đang có.
Biển là thế. Cứ tưởng biển nơi này giống nơi kia. Nhưng rồi những cuộc hành trình lại đưa tôi đến những vùng biển khác nhau. Và khi đến những vùng biển đó, tôi luôn có những cảm giác lạ. Đó là biển Cà Mau. Biển Cà Mau có Hòn Khoai, hòn đảo hiếm hoi ở vùng cực Nam tổ quốc có nước ngọt. Biển Cà Mau kề đất liền thường đỏ au màu đất phù sa, và đó là nguồn sống cho con tôm con cá. Nhìn xa xa là những cây đước màu xanh đậm đến xanh nhạt. Mỗi năm, công việc bồi đất và cây xanh rụng hạt giữ đất để mũi Cà Mau dài về phía nam 500 m. Làm phép tính, chừng 790 năm nữa, mũi Cà Mau sẽ nối liền với bán đảo Malaysia. Ngẫm lại cỏ cây còn yêu cõi bờ đất nước để mở mang 500 m mỗi năm để đến ngàn năm con cháu nhận lấy sự rộng lớn.
Tôi đến một biển khác, mà biển làm cho tôi thật sự ngỡ ngàng. Đó là biển Trà Cổ. Biển Trà Cổ cách Móng Cái hơn 10 km, nhìn xa xa là biển Trung Quốc. Tại đây có hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu khắc lại: “Từ rừng đước Cà Mau đến rừng dương Trà Cổ.” và không xa là cột mốc “Từ Trà Cổ đến Cà Mau 3.260 km”. Tôi ở biển, tôi đã đến nhiều biển khác nhau trong những cuộc hành trình. Nhưng cảm giác khi đến biển Trà Cổ là một cảm giác lạ, cảm giác của một người đã đi đến tận biển đầu tiên Tổ quốc. Thật ra thì biển Trà Cổ không đẹp, là những đụn cát lô xô, là những con thuyền độc đáo với nhiều mảnh ván ghép lại để trống những khoảng riêng. Là cả hàng dương xanh chao ngả nhìn ra phía biển. Nhưng từng bờ bãi, từng ngọn cỏ ở đây là sự thiêng liêng.
Tôi đã nhón chân xuống những giọt nước biển quê hương ở Trà Cổ. Tôi cũng đã từng nếm vị mặn của nước biển Cà Mau trộn lẫn phù sa của con sông Gành Hào đổ ra. Tôi đã bao lần dẫm đôi chân trần của mình trên những thềm cát biển, có thể sóng biển đã xóa những dấu chân. Nhưng để có thể nhẹ nhàng dẫm chân trên thềm cát ấy, tôi hiểu cả một dân tộc Việt đã mải mê không ngừng chống giặc ngoại xâm, hy sinh không tiếc máu xương để cõi bờ bền vững.
Khuê Việt Trường