Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 11/12 đã biểu quyết dự luật trao quyền sử dụng quân đội - quyền chiến tranh - cho Tổng thống Barack Obama trong cuộc chiến chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Đây là đợt biểu quyết đầu tiên tại Thượng viện nhằm xác định rõ việc trao quyền trên cho tổng thống trong cuộc chiến này. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua dự luật cho phép Tổng thống sử dụng lực lượng quân đội chống lại IS. |
Trong cuộc chiến chống IS hiện nay, Tổng thống Obama đã sử dụng quyền sử dụng quân đội mà quốc hội đã trao cho cựu Tổng thống George Bush vận dụng để quyết định các hành động quân sự sau thảm kịch 11/9. Với phạm vi quyền hạn đó, Tổng thống Obama khẳng định ông có quyền hợp pháp để triển khai khoảng 3.000 lính Mỹ đến Iraq thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh sở tại, cũng như ra lệnh tiến hành 1.100 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS tại Iraq và Syria từ tháng Chín. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Obama tuyên bố ông muốn Quốc hội trao quyền mới để sử dụng lực lượng quân đội.
Căn cứ theo yêu cầu của Tổng thống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua dự luật cho phép Tổng thống sử dụng lực lượng quân đội chống lại IS cũng như các cá nhân và thế lực tiến hành các hoạt động chống đối với danh nghĩa của IS. Dự luật cho phép sử dụng lực lượng quân đội trong các trường hợp cần thiết như bảo vệ hoặc giải cứu lính Mỹ, công dân Mỹ, các chiến dịch tình báo, dẫn đường cho các vụ không kích, các kế hoạch tác chiến hoặc các hình thức quân sự khác như cố vấn và hỗ trợ. Tuy nhiên, dự luật cũng đề ra giới hạn cho phạm vi hoạt động của quân đội Mỹ, theo đó sẽ không tiến hành các chiến dịch tác chiến trên bộ quy mô lớn. Dự luật đề ra thời hạn ba năm và tổng thống có nhiệm vụ báo cáo tình hình trước quốc hội theo định kỳ hai tháng.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng quyền chiến tranh mới của Quốc hội trao cho Tổng thống không nên giới hạn hoạt động của quân đội Mỹ tại Iraq và Syria, cũng như không nên ngăn cản Tổng thống triển khai bộ binh trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, ông Kerry cho rằng nên có điều khoản bổ sung về việc kéo dài thời hạn vì dự luật ấn định khung thời gian ba năm.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thượng viện, Thượng nghị sĩ Robert Menendez cho biết sẽ đề nghị tiến hành phiên biểu quyết tại Thượng viện trước khi Quốc hội hiện nay kết thúc nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nhiều khả năng, tiến trình này sẽ bị trì hoãn cho đến khi Quốc hội mới do đảng Cộng hòa kiểm soát bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2015. Chủ tịch sắp tới của ủy ban, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, cũng đã nói rõ không ủng hộ biểu quyết dự luật này tại Quốc hội hiện nay mà sẽ đợi chuyển giao dự luật cho Quốc hội mới xem xét vào đầu năm 2015.
TTXVN/Tin Tức