Nhiều vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng xảy ra thời gian qua như vụ Công ty CP Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) chôn thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường lâu năm, hay Công ty Hào Dương (TP Hồ Chí Minh) 10 lần vi phạm, trực tiếp xả thải chưa qua xử lý, đầu độc sông Đồng Điền... đã cho thấy những lỗ hổng pháp lý trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.
Nhiều quy định chung chung
Sau vụ Công ty Vedan “bức tử” sông Thị Vải năm 2008 thì mới đây, việc Công ty CP Nicotex Thanh Thái chôn thuốc sâu gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài mới được phát hiện và làm rõ, gây hậu quả nghiêm trọng và vụ việc Công ty Hào Dương 10 lần bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường, với các lỗi không thay đổi như: Không đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của KCN, xả chất thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý với số lượng lớn, các chỉ tiêu nước thải, khí thải đều vượt mức cho phép hàng chục lần... đã khiến dư luận đặt câu hỏi về tính chặt chẽ trong những văn bản luật hiện nay.
Người dân đào tìm điểm chôn các thùng phuy chứa thuốc sâu ở Công ty Thanh Thái. Ảnh: Trịnh Duy Hưng – TTXVN |
Theo số liệu thống kê, mỗi năm cơ quan chức năng phát hiện 5.000- 6.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, nhưng số vụ xử lý hình sự các đơn vị vi phạm lại khá khiêm tốn. Ngoài nguyên nhân tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện và thường diễn ra trong thời gian dài, thì việc không thể xử lý hình sự các đơn vị vi phạm là do những quy định của pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005 chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nước dưới đất phải có trách nhiệm xử lý hậu quả. Đây chính là “lỗ hổng” làm phát sinh nhiều vi phạm như vụ Nicotex thời gian qua. Hơn nữa, quy định kho chứa hóa chất, cơ sở xử lý, khu chôn lấp chất thải nguy hại phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, có biện pháp ngăn cách hóa chất độc hại ngấm vào nguồn nước dưới đất, còn thiếu cụ thể, dễ tạo điều kiện cho doanh nghiệp “lách” luật.
Bên cạnh đó, còn nhiều quy định quá chung chung, đơn cử như những khái niệm: “ô nhiễm nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”… chưa được quy định rõ trong luật. Ngoài ra, mới chỉ có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật hình sự, mà chưa quy định đối với doanh nghiệp, tổ chức...
Tăng sức mạnh công cụ quản lý
Nhiều chuyên gia môi trường chia sẻ, việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận định: “Từ vụ chôn thuốc trừ sâu tại Thanh Hóa, có thể thấy ĐTM chưa đóng góp gì nhiều so với thực tế ô nhiễm mà người dân đã và đang phải gánh chịu”.
Thực tế, khi xây dựng báo cáo ĐTM, các doanh nghiệp thường thuê tổ chức tư vấn, nhưng tổ chức này lại không chịu trách nhiệm về thông tin trong báo cáo, mà chỉ chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp, là người có quan hệ hợp đồng tư vấn. Báo cáo ĐTM do tổ chức tư vấn lập vì vậy mang tính chất tham khảo là chủ yếu, doanh nghiệp có thể không sử dụng báo cáo này hoặc sử dụng nhưng bổ sung, chỉnh sửa. Do đó, việc ngành chức năng căn cứ vào chuyên môn của tổ chức tư vấn để thẩm định, đánh giá báo cáo ĐTM là không hợp lý.
Dự thảo lần 5 Luật BVMT trên thực tế đã có nhiều thay đổi tích cực trong vấn đề ĐTM, tuy nhiên, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, trong quy định khoản 1, điều 19, về trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM quy định “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt của mình; Sở TN&MT tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM của dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc các đối tượng quy định tại điểm a và b khoản này”. “Như vậy quy định phân cấp này cho phép cơ quan phê duyệt dự án nào sẽ thẩm định báo cáo ĐTM của dự án đó. Đây cũng là một dạng ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’. Nên chăng việc thẩm định báo cáo ĐTM phải do Bộ TN&MT và các Chi cục vùng của Bộ TN&MT đảm trách thay cho các tỉnh”, TS Nguyễn Ngọc Sinh đề xuất.
Trong thực tế ở Việt Nam nhiều báo cáo ĐTM của dự án phát triển lớn phải được tham vấn qua nhiều năm, do vậy theo nhiều ý kiến, quy định trong dự thảo Luật BVMT hiện nay: “Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị lấy ý kiến, UBND và các tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời chủ dự án bằng văn bản” đã vô hiệu hóa việc tham vấn, làm cho tham vấn báo cáo ĐTM mang tính hình thức. Đồng thời, ĐTM cần trở thành công cụ quản lý môi trường, đảm bảo công bằng và sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội là rất quan trọng. “Chúng ta cần phải có cơ chế thực và phải có báo cáo thông tin định lượng. Cùng đó, công khai thông tin trên một phương tiện nhất định, để cộng đồng có thể biết và có sự tham gia chung”, GS Đặng Hùng Võ đề nghị.
Bên cạnh đó, rất nhiều tác động tiêu cực đến môi trường không dễ được nhận diện sớm. Điều này đòi hỏi các dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển phải đặt nặng vấn đề trách nhiệm phòng ngừa. “Hồi tố môi trường giúp cho việc xử lý các vấn đề môi trường được nhận diện sau khi dự án hay hành động xâm hại môi trường đã kết thúc nhưng di hại cho môi trường vẫn đang hiện hữu. Luật BVMT 2005 đã bỏ qua “hồi tố” làm mất đi giải pháp phòng ngừa, răn đe cực kỳ quan trọng; làm phức tạp cho việc xử lý tranh chấp, vi phạm; thậm chí phạm tội môi trường; đặc biệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đòi bồi thường, đòi hoàn phục môi trường”, PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết.
Các chuyên gia nhận định, vi phạm trong lĩnh vực môi trường không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một vài cá nhân mà có thể giết chết cả một thế hệ hoặc nhiều thế hệ, mà mức xử phạt chỉ mang tính hành chính. |
T.T