Để tăng cường công tác chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 08/2011/TT-BYT yêu cầu các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên từng bước phải thành lập khoa dinh dưỡng - tiết chế. Tuy nhiên, do khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, nên việc thực hiện quy định này cho đến nay vẫn là một thách thức đối với các bệnh viện.
Điều trị bằng chế độ dinh dưỡng
Trong những năm gần đây, việc can thiệp dinh dưỡng trong điều trị lâm sàng đã bắt đầu được chú trọng. Người bệnh không chỉ điều trị bằng thuốc mà còn phải điều trị bằng cả một chế độ dinh dưỡng hợp lý. BS Tạ Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Gia Định, cho biết: “Mỗi loại bệnh, mỗi thể trạng bệnh nhân đòi hỏi phải có một thực đơn dinh dưỡng riêng. Chẳng hạn người mắc bệnh tiểu đường dù có dùng nhiều loại thuốc nhưng không có một chế độ ăn hợp lý thì cũng rất khó điều trị tốt”.
Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm chi phí và thời gian điều trị. |
Bệnh viện Nhân dân Gia Định là một trong những bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh dẫn đầu trong việc can thiệp dinh dưỡng trong điều trị. Từ rất sớm, bệnh viện đã đầu tư thành lập một khoa dinh dưỡng với đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, cùng với đội ngũ y, bác sỹ chuyên khoa về dinh dưỡng.
“Khoa dinh dưỡng có nhiệm vụ cung cấp, tư vấn dinh dưỡng cho các bệnh nhân ngoại trú và nội trú. Trung bình mỗi ngày khoa dinh dưỡng cung cấp khoảng 200 - 300 khẩu phần ăn cho bệnh nhân. Để lên được một chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bác sỹ trong khoa dinh dưỡng sẽ làm việc với bác sỹ điều trị lâm sàng để đánh giá tình trạng, nhu cầu dinh dưỡng cho các bệnh nhân khi nhập viện. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bệnh nhân tiếp nhận điều trị hiệu quả hơn. Đặc biệt, những bệnh nhân nặng, sau hậu phẫu thì chế độ dinh dưỡng trong điều trị giữ vai trò rất quan trọng”, BS Tuyết Mai cho biết.
Trong khi đó, theo BS Huỳnh Văn Ân, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, việc kết hợp điều trị giữa thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết. “Dinh dưỡng hợp lý trong điều trị không những giảm được thời gian điều trị mà còn giúp bệnh nhân giảm được cả chi phí điều trị. Tại khoa Hồi sức tích cực, nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng nhưng nhờ can thiệp dinh dưỡng tốt nên đã phục hồi rất nhanh”, BS Ân khẳng định.
Không riêng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng rất chú trọng trong việc điều trị kết hợp giữa thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong 9 tháng 2013, khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã giúp bệnh viện đánh giá được tình trạng dinh dưỡng của 2.257 bệnh nhân nội trú, trong đó 61,5% là suy dinh dưỡng và 2,57% bị béo phì, từ đó giúp bệnh viện có phương pháp điều trị tích cực hơn.
Thiếu nguồn nhân lực
Với yêu cầu điều trị ngày càng cao, Bộ Y tế đã ban hành thông tư yêu cầu các bệnh viện phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân; đồng thời phải xây dựng một đội ngũ bác sỹ dinh dưỡng có chuyên môn cao, thành lập khoa dinh dưỡng cho tất cả các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thông tư được ban hành, không ít bệnh viện vẫn chưa thể thực hiện được điều này. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ mới có 61 bệnh viện thành lập được khoa, tổ dinh dưỡng - tiết chế.
BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Các bệnh viện phải nhận thức được tầm quan trọng của việc can thiệp dinh dưỡng trong điều trị và tạo điều kiện để thành lập khoa dinh dưỡng. Nhiều bệnh viện hiện vẫn còn chậm trễ, chưa chịu đầu tư trong việc thành lập các khoa dinh dưỡng, tổ dinh dưỡng - tiết chế. Để tăng cường hơn nữa công tác điều trị bằng dinh dưỡng cho bệnh nhân, Sở đã đốc thúc các bệnh viện dành khoản kinh phí để xây dựng, thành lập khoa dinh dưỡng - tiết chế. Thành phố phấn đấu từ nay đến năm 2015, tất cả các bệnh viện phải có khoa dinh dưỡng, tổ dinh dưỡng - tiết chế”.
Theo BS Tuyết Mai, việc nâng cao hiệu quả chữa bệnh bằng dinh dưỡng hiện nay vẫn bị nhiều bệnh viện "bỏ ngỏ", bởi nhiều nơi chưa có khoa dinh dưỡng cũng như bác sỹ dinh dưỡng. Hoặc một số bệnh viện tuy có khoa dinh dưỡng nhưng hoạt động chưa hiệu quả do thiếu cơ sở vật chất, các bác sỹ hoạt động kiêm nhiệm, thiếu bác sỹ chuyên khoa về dinh dưỡng...
Đặc biệt, để thành lập một khoa dinh dưỡng đòi hỏi phải có bác sỹ chuyên khoa về dinh dưỡng nhưng nguồn nhân lực này vẫn đang thiếu trầm trọng. Hiện nay, vẫn chưa có một lớp đào tạo dài hạn chuyên sâu về dinh dưỡng, tiết chế và cũng chưa có chính sách nào thu hút nhân lực về công tác trong lĩnh vực dinh dưỡng - tiết chế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các bệnh viện hiện cũng còn hạn hẹp. Để giải quyết vấn đề này, theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tới đây Sở sẽ phối hợp với các trường đào tạo chuyên khoa, đại học và sau đại học về dinh dưỡng, tiết chế; đồng thời sẽ có bộ môn dinh dưỡng lâm sàng tại các trường y.
Bài và ảnh: Đan Phương