Trao đổi với báo giới chiều 26/5, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Sau khi xin ý kiến đóng góp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), dự án Luật sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2017. “Hiện Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến phản hồi, dư luận quan tâm về mức điều chỉnh của khung thuế BVMT (điều 8 Luật thuế BVMT), đại diện Bộ Tài chính nói.
Theo ông Thi, mục tiêu xây dựng Luật nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung những hạn chế của Luật thuế BVMT hiện hành; góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ đó gián tiếp tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường nhưng vẫn đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo chính sách công khai, minh bạch; bảo đảm lợi ích Quốc gia trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Khách hàng mua xăng tại cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Sau khi tính toán, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh khung thuế BVMT trong dự án Luật đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: Mức thuế tối thiểu bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng; mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành, trong đó, xăng từ 1.000- 4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít.
Riêng đối với dầu hỏa, Bộ Tài chính đề nghị giữ khung thuế BVMT như hiện hành (300-2.000 đồng/lít) vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Trước những phản ánh của dư luận, báo chí liên quan đến dự án Luật, đặc biệt là mức điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: “Việc điều chỉnh này chỉ nhằm bù đắp thuế nhập khẩu cắt giảm theo cam kết quốc tế là chưa thuyết phục, chỉ đảm bảo bù đắp một phần thuế nhập khẩu bị cắt giảm”, lãnh đạo Vụ chính sách thuế nhấn mạnh.
Bộ Tài chính cho rằng, mức điều chỉnh được dựa trên nhiều yếu tố: Việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định); giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN; tỷ lệ thuế (thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng) trên giá cơ sở của Việt Nam tính đến ngày 2/5/2017 đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa và 19,13% đố với dầu mazut) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%; Philipines khoảng 62%; Nga khoảng 52%...)
Một nội dung cũng được dư luận quan tâm là dung dịch HCFC và túi ni lông sẽ thuộc diện chịu thuế vì là những sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu tới môi trường (túi ni lông phải trải qua thời gian rất lâu để phân hủy, có thể tới hàng trăm năm).
“Việc điều chỉnh khung mức thuế cao là để nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, góp phần giảm dần sử dụng các sản phẩm này (theo Nghị định thư Montreal về hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn- gồm có HCFC, Việt Nam sẽ phải loại trừ hoàn toàn việc sử dụng HCFC vào năm 2030) và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, khung thuế đối với dung dịch HCFC, bao gồm cả dung dịch HCFC có trong chất hỗn hợp chứa dung dịch HCFC từ 4.000- 20.000 đồng/kg; túi ny lông thuộc diện chịu thuế từ 40.000 đồng/kg lên đến 200.000 đồng/kg”, ông Thi nói.
Theo Bộ Tài chính, mức thuế BVMT đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT (than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mồi, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng) đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị không điều chỉnh khung thuế BVMT đối với các hàng hóa này.