Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do virút Zika và sốt xuất huyết tại một số hộ dân ở khu phố 4, thị trấn Tân Trúc, huyện Bình Chánh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ y tế quốc tế và đánh giá, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ với virút Zika. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch bệnh này vẫn tiếp tục là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.
Đến nay đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virút Zika. Nguy cơ dịch bệnh do virút Zika xâm nhập và lan truyền đối với Việt Nam là rất lớn do có sự giao lưu đi lại, du lịch, người lao động trở về từ vùng có dịch. Đồng thời, muỗi truyền virút Zika cũng chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hiện đang lưu hành phổ biến ở Việt Nam.
Bộ Y tế nêu rõ: Trong năm 2015, tại nước ta dịch sốt xuất huyết bùng phát và chưa có dấu hiệu giảm vào những tháng đầu năm 2016 tại một số tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh sốt xuất huyết khó khống chế là do phần lớn người dân chưa có ý thức tự diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) để chủ động phòng chống dịch bệnh. Để ngăn ngừa không để dịch bệnh do virút Zika xâm nhập, lây lan cũng như dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế tăng cường truyền thông vận động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống dịch bệnh do virút Zika và bệnh sốt xuất huyết; tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế mức thấp nhất trường hợp mắc bệnh và tử vong. Đồng thời, Sở Y tế làm đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do virút Zika, dịch sốt xuất huyết”. Các tỉnh đã đăng ký lịch cần triển khai ngay trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2016 trước khi mùa mưa đến.
Sở Y tế các địa phương hướng dẫn người dân tự xử lý các dụng cụ chứa nước như đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải như chai, lọ, lốp xe, vỏ dừa..., dễ gây đọng nước ở quanh nhà. Đặc biệt, người dân nên dùng kem xua muỗi, ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày để phòng muỗi đốt...