BRICS sẽ thành lập ngân hàng phát triển chung

Lãnh đạo 5 nước thuộc BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ngày 27/3 đã khởi động hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của khối tại thành phố Durban (Nam Phi). Ngay trong ngày họp đầu tiên, các bộ trưởng tài chính 5 nước đã nhất trí trên nguyên tắc sẽ thành lập ngân hàng phát triển chung.


 

BRICS kỳ vọng ngân hàng phát triển chung có thể giúp đối trọng với WB.

 

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma sau hội đàm tuyên bố: “Chúng tôi hài lòng rằng việc thành lập một ngân hàng phát triển mới là kế hoạch khả thi. Chúng tôi đã quyết định sẽ tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về việc thành lập một ngân hàng chung do BRICS dẫn dắt”.


Ngân hàng này sẽ được coi là đối trọng của các thể chế tài chính do phương Tây hậu thuẫn, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB). Dự kiến, ngân hàng này sẽ tập trung vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của các nước thuộc khối BRICS. Nếu ngân hàng cấp vốn cho cả các dự án ngoài khối, nó sẽ là một sự lựa chọn khác ngoài Quỹ Tiền tệ Quốc tế và WB.


Tuy nhiên, ngân hàng này chưa thể hoạt động một sớm một chiều. Vấn đề vẫn còn đang được bàn chi tiết là xác định quy mô ngân hàng, hình thức cấp vốn cho các dự án và vị trí đặt trụ sở ngân hàng. Ngoài ra, các nước BRICS cũng phải thu hẹp vốn khởi động ngân hàng dự kiến là 50 tỷ USD.


Thành lập ngân hàng riêng là một dự án lớn của BRICS và là bước đi đầu tiên của nhóm nhằm hợp nhất các chính sách kinh tế của 5 nền kinh tế mới nổi. Nhiều nước mới nổi ngoài khối BRICS cũng hi vọng ngân hàng sẽ là một hình thức khai thác thế mạnh về nguồn tài chính to lớn của Trung Quốc.


Phản ứng với quyết định thành lập ngân hàng chung của BRICS, WB nhận định rằng thành lập một ngân hàng phát triển là một công việc quan trọng và cho biết sẵn sàng hỗ trợ ngân hàng mới này. WB dự báo ngân hàng của BRICS sẽ là một "đối tác vô giá" và tỏ ý sẽ chia sẻ kinh nghiệm về thành lập ngân hàng.

 

Bàn giải pháp hòa bình cho Xyri


Ngoài việc xúc tiến thành lập ngân hàng chung, trong hai ngày làm việc, hội nghị với chủ đề "BRICS và châu Phi: Đối tác vì Phát triển, Hội nhập và Công nghiệp hóa" còn đề cập đến những vấn đề nóng trong khối và thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Xyri.


Các lãnh đạo BRICS dự kiến sẽ xem xét lời kêu gọi trợ giúp trực tiếp từ Tổng thống Xyri Bashar al-Assad. Trong bức thư gửi tới hội nghị, ông Assad đề nghị các nước BRICS cùng hợp tác ngăn chặn tình trạng bạo lực ở Xyri và giúp đưa giải pháp chính trị đến thành công.


Tổng thống Nga Vladimir Putin khi phát biểu khai mạc hội nghị cũng cho biết BRICS sẽ phối hợp tìm giải pháp hòa bình cho Xyri. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 27/3 cũng khẳng định Xyri cần một “giải pháp chính trị”, đồng thời loại bỏ khả năng can thiệp quân sự cũng như triển khai hệ thống tên lửa Patriot hỗ trợ phe đối lập.


Trong một diễn biến có liên quan, Liên minh đối lập Xyri ngày 27/3 đã mở đại sứ quán đầu tiên của mình tại thủ đô Đôha của Cata. Trước đó, lực lượng này đã tiếp quản chiếc ghế đại diện duy nhất của Xyri tại Liên đoàn Arập (AL).


Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích bước đi của AL là hành động chống lại Xyri, không tuân thủ luật pháp quốc tế và vì thế không có giá trị. Trước đó, Iran cũng ra tuyên bố chỉ trích AL đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm và những sai lầm như vậy sẽ chỉ khiến vấn đề phức tạp thêm.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN