Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 ngày 15/7 tại thành phố Fortaleza (Brazil), các nước nhóm BRICS đã ký thỏa thuận thành lập ngân hàng chung, nhằm huy động nguồn lực cho các dự án hạ tầng và phát triển tại các nước thành viên và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác.
Tham dự hội nghị có Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.
“Ngân hàng phát triển mới” (NDB) của BRICS ra đời trong bối cảnh các nước thành viên cũng như các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển khác tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế để thực hiện các dự án hạ tầng và phát triển bền vững.
Việc thành lập ngân hàng này được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi tháng 3/2013. Ngân hàng sẽ đặt trụ sở tại Thượng Hải, có tổng vốn xuất phát 100 tỷ USD, trong đó vốn điều lệ là 50 tỷ USD, chia đều cho các nước sáng lập.
Thỏa thuận thành lập NDB có hiệu lực sau khi được quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
Theo Tổng thống Rousseff, NDB là một lựa chọn của các nước đang phát triển để giải quyết nhu cầu vốn, và sẽ cho phép các nước BRICS độc lập hơn về kinh tế.
Các nhà phân tích đánh giá NDB sẽ trở thành đối trọng của các định chế tài chính do phương Tây hậu thuẫn, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).
Trong tuyên bố được công bố sau hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước BRICS bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước việc các biện pháp cải tổ IMF không được thực hiện, ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả hoạt động và niềm tin đối với thể chế này.
Tuyên bố cũng chỉ rõ, không chỉ tăng cường hợp tác nội khối, ngân hàng phát triển của BRICS sẽ góp phần cùng các thể chế tài chính đa phương và khu vực hiện có thúc đẩy phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Mặt khác, tại hội nghị, các nước BRICS cũng ký thỏa thuận thành lập một quỹ dự phòng trị giá ban đầu100 tỷ USD nhằm giúp các nước thành viên ứng phó với sức ép thanh khoản ngắn hạn. Trung Quốc sẽ góp 41 tỷ USD vào quỹ dự phòng này, trong khi Brazil, Nga và Ấn Độ mỗi nước đóng 18 tỷ USD, và Nam Phi góp 5 tỷ USD.
Ngoài ra, các nước BRICS cũng ký Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật giữa các cơ quan bảo đảm tín dụng và xuất khẩu, với mục tiêu tăng cơ hội giao thương giữa các nước thành viên.
Trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các nước khác, nhất là các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, cũng như với các tổ chức quốc tế và khu vực, trong ngày 16/7, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ có cuộc gặp những người đồng cấp tại Nam Mỹ, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS là hoạt động thường niên, bắt đầu từ năm 2009, của năm nền kinh tế mới nổi có tiềm lực hùng hậu.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của nhóm này sẽ được tổ chức tại thành phố Ufa của Nga.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)