Địa danh mang giá trị lịch sử, văn học
Không khí Xuân rộn ràng đang lan tỏa khắp các bản làng của xã Hồng Ngài. Cùng ôn lại truyền thống lịch sử của mảnh đất này, chúng tôi được người dân dẫn đi tham quan hang "Vợ chồng A Phủ" hay còn gọi là hang Thẳm Cốp. Hang nằm trong dãy núi U Bò thuộc bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài. Hang có chiều dài gần 200m, lòng hang nơi rộng nhất lên đến 40m. Xung quanh là khu rừng nguyên sinh, phía trước là nương rẫy của nhân dân.
Ông Giàng A Lử - người dân ở xã Hồng Ngài cho biết, theo lịch sử của địa phương và được ông bà kể lại, hang "Vợ chồng A Phủ" nằm trong khu căn cứ kháng chiến 99 gồm các xã: Song Pe, Hang Chú, Tà Xùa, Xím Vàng, Làng Chếu, Pắc Ngà, Chim Vàn, Hồng Ngài. Do nằm xa trung tâm huyện, với địa hình phức tạp, rừng rậm bao quanh nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây được Đại đội Quân báo thuộc Bộ Tổng tham mưu chọn đóng quân và cất giữ vũ khí để tìm cách vượt sông Đà chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Trong thời gian đó, Chi bộ Pắc Pắc, huyện Bắc Yên đã vận động nhân dân tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi giấu các chiến sỹ đảm bảo an toàn, bí mật.
Cùng với những giá trị lịch sử, hang Thẳm Cốp đã đi vào văn học với tên gọi khác là hang "Vợ chồng A Phủ". Theo tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Nhà văn Tô Hoài, Mị và A Phủ (hai nhân vật chính trong tác phẩm) sau khi bỏ trốn khỏi kiếp “trâu ngựa” trong gia đình Thống lý Pá Tra, trên đường đi, họ đã dừng chân tại đây một thời gian để tránh sự lục soát của bọn tay sai Thống lý. Rồi từ đó, theo ánh sáng của Đảng đến với khu du kích Phiềng Sa tham gia phong trào cách mạng.
Ông Hờ Lao Cang, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bắc Yên cho biết, khu căn cứ kháng chiến 99 là di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, đánh dấu giai đoạn quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La.
Đặc biệt, địa danh lịch sử này được công chúng biết đến là quê hương của "Vợ chồng A Phủ". Hiện nay, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân bảo vệ cảnh quan xung quanh và làm đường lên hang để du khách có thể tới tham quan. Huyện còn có kế hoạch đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng và xây dựng tuyến đường dài 1,2km đến hang phục vụ phát triển du lịch.
Sự chuyển mình ở vùng đất khó
Hồng Ngài hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Cùng với hệ thống đường giao thông, điện lưới, các cơ sở hạ tầng khác cũng đã được đầu tư khang trang. Tọa lạc ngay ở vị trí trung tâm xã, Trường mầm non Hồng Ngài được xây dựng với các dãy nhà kiên cố và khu vực sân chơi với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng học tập. Nhìn vào hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ như vậy, ít ai nghĩ rằng đây là một trường học ở địa bàn vùng cao.
Bà Lò Thị Lưu, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hồng Ngài cho biết, những năm trước, hệ thống trường, lớp học còn khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đến nay nhà trường đã có cơ ngơi đầy đủ nhằm đáp ứng việc dạy và học. Không chỉ có điểm trường trung tâm, hiện điểm trường lẻ đóng ở các bản đã được kiên cố hóa, không còn nhà tạm. Hiện nay, nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Hệ thống trường lớp học như hiện nay đã tạo thêm động lực để cô và trò thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Từ đó, giúp học sinh ở vùng cao được hưởng sự chăm sóc, giảng dạy tốt nhất.
Xã Hồng Ngài hiện nay có khoảng 790 hộ với gần 4.200 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mông chiếm 80% dân số. Ông Mùa A Chồng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Ngài phấn khởi cho biết, so với thời điểm năm 2015, thu nhập bình quân chỉ đạt 7 triệu đồng/người/năm nhưng hiện nay đã tăng lên 12 triệu đồng/người/năm. Có được điều này là người dân đã biết thay đổi tư duy trong sản xuất, họ không còn sản xuất nhỏ lẻ mà tập trung vào những loại cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với phát triển kinh tế, xã cũng chú trọng đến việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Theo đó, Trạm Y tế xã cũng được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất khang trang với trang thiết bị và đội ngũ y, bác sỹ đầy đủ để phục vụ nhân dân. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Xã phấn đấu đến năm 2019 đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá về những đổi thay của xã Hồng Ngài, Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Yên Lừ Văn Lày cho biết, sự chuyển biến rõ nét nhất ở đây là người dân đã chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ đã giúp đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Để xã Hồng Ngài ngày càng phát triển, định hướng chính của huyện Bắc Yên là tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng gắn với các địa danh có giá trị lịch sử, văn học.