Người dân mua hoa, cây cảnh trang trí Tết. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Dọc hai bên đường về huyện Krông Bông, nơi có nhiều buôn làng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây vàng rực một màu hoa hoa cúc quỳ đang nở rộ, người người tấp nập ngược xuôi đi sắm Tết. Anh Y Sơm Byă, Trưởng buôn Khanh - buôn căn cứ cách mạng xã vùng sâu Cư Pui hồ hởi cho biết: Trong buôn chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đến nay, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước với nhiều chính sách ưu đãi, đồng bào buôn Khanh đã định canh định cư, khai hoang, gieo cấy lúa nước, trồng cây công ngiệp dài ngày, ngắn ngày, ngô lai…
Do đó, đời sống đồng bào ngày càng khấm khá, nhiều nhà đã có của ăn của để. Toàn buôn có 171 hộ, nay đã có trên 60% gia đình thuộc hộ khá, hộ nghèo chỉ còn 23 hộ. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, buôn Khanh được chọn làm buôn điểm của xã Cưi Pui nên kết cấu hạ tầng từ hệ thống giao thông đến trường học, điện lưới quốc gia, thủy lợi…được đầu tư khá đồng bộ, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống cho đồng bào. Cán bộ khuyến nông của tỉnh, huyện cũng về hướng dẫn đồng bào các kỹ thuật thâm canh cây trồng để tăng năng suất, cho hiệu quả kinh tế cao…
Hiện nay, 100% hộ gia đình ở buôn Khanh đều có phương tiện nghe nhìn, 85% số hộ có xe máy, máy cày phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Buôn trưởng buôn Khanh Y Sơm Byă cho hay: Những ngày cuối năm cũng là dịp các gia đình tổ chức nhiều lễ hội đón năm mới như: Lễ ăn cơm mới để tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa bội thu và cầu mong một mùa mới, năm mới cho thóc lúa đầy nhà; lễ cúng bến nước cầu mưa thuận gió hòa, nguồn nước dồi dào, người người no ấm, khỏe mạnh… Bên cạnh, các lễ nghi, đồng bào buôn Khanh còn tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa trong những ngày Xuân về Tết đến như kể khan (sử thi), đánh cồng chiêng tại nhà văn hóa cộng đồng…
Cán bộ, chiến sĩ Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Sêrêpốk vẽ tranh cùng trẻ em tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đến thăm xã vùng sâu tỷ phú Nâm N’Jang, cách huyện Đắk Song hơn 10 km (Đắk Nông) mà cứ ngỡ như một phố thị. Theo như ông Trịnh Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Nâm N’Jang có gần 3.000 hộ, với diện tích đất sản xuất trên 5.300 ha (chưa kể người dân còn mua, thuê đất ở các nơi khác hơn 1.000 ha). Toàn bộ diện tích trên đồng bào trồng hồ tiêu, cà phê, trong đó chỉ có 1.000 ha cây ngắn ngày.
Thống kê cho thấy, 35% số hộ trong xã có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, cá biệt có hộ thu nhập hơn 35 tỷ đồng. Do vậy, tuy là xã vùng sâu nhưng người dân ở đây xây nhà tiền tỷ là chuyện bình thường, còn ô tô thì ngoài hàng trăm xe tải phục vụ chở hàng hóa, sản xuất, cả xã còn có trên 200 chiếc ô tô con các loại…Tết này, ở xã Nâm N’Jang nhà nào cũng chuẩn bị hoa mai, hoa cúc, hoa đào, mổ lợn, gà, nấu bánh chưng, bánh tét…để vui Xuân đón Tết.
Ở 5 tỉnh vùng Tây Nguyên vào năm 2017, tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Tổng giá trị sản phẩm GRDP trên địa bàn đạt 165.473 tỷ đồng, tăng 8,09%, cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, GDP bình quân đầu người đạt gần 41,6 triệu đồng, tăng 5,02% so với năm 2016.
Sản xuất nông nghiệp của Tây Nguyên tiếp tục ổn định, tập trung đầu tư phát triển theo hướng thị trường, ở một số địa phương bước đầu phát triển theo chiều sâu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ.
Công nghiệp cũng tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm chủ lực tăng khá (tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tăng 5,35%so cùng kỳ), xuất khẩu từng bước được phục hồi, thu ngân sách tiếp tục tăng nhanh và vượt kế hoạch đề ra. Các địa phương thực hiên tốt chính sách dân tộc, y tế, giá dục, đào tạo, văn hóa xã hội…; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không ngừng được củng cố.
Mong rằng trong năm mới Mậu Tuất, đồng bào các dân tộc nơi Tây Nguyên sẽ tiếp tục được cải thiện, làm ăn thuận lợi và nhiều thành công hơn năm trước.