Buồn vui ngày cưới

Mấy hôm nay, tôi nghỉ việc cơ quan để về dự mấy đám cưới của anh em, người nhà. Về quê, cảm nhận mùa cưới đến thật rõ ràng. Cả xóm, cả làng tưng bừng nhộn nhịp. Trong cái se se lạnh cuối thu đầu đông, không khí đám cưới làm cho người ta ấm hẳn lên. Tuy nhiên, sau mấy ngày liên miên cỗ bàn, đình đám tôi thấy đám cưới ở quê bây giờ khác xưa nhiều quá, chẳng ra đổi mới, chẳng ra kiểu cũ, cứ dở dở ương ương, quen quen lạ lạ.


Thứ nhất, đó là phần thủ tục nghi lễ khá rườm rà, lộn xộn. Ngày xưa, để có được một lễ cưới, các cụ thường phải qua 6 cái lễ nhỏ. Đầu tiên là "vấn danh", đôi trai gái dắt nhau đến nhà bố mẹ hai bên báo cáo tên tuổi, quê quán (nay gọi là xin phép tìm hiểu). Tiếp đó là lễ "dạm ngõ", bố mẹ nhà trai mang cau, trầu đến nhà gái để thưa chuyện cho đôi trai gái chính thức được tìm hiểu đi lại với nhau. Sau đó là lễ "ăn hỏi", họ hàng nhà trai chính thức có cơi trầu, lễ vật đến đặt vấn đề để chuẩn bị cho việc hôn lễ. Tất cả công việc nội vụ của ngày cưới được bàn bạc, thống nhất trong lễ ăn hỏi này. Tiếp theo đó, trước ngày cưới, là lễ "nạp thái".


Nhà trai gánh lễ cưới đến nhà gái (hiện vật). Và lễ to nhất, trọng đại nhất đó là lễ "vu quy" (lễ cưới - hôn lễ). Lễ này mời cả làng, cả họ đến chung vui mừng hạnh phúc cho đôi trai gái. Sau lễ cưới là lễ "lại mặt", nhà trai mang lễ đến nhà gái xin cho con dâu được mang nốt quần áo, tư trang về nhà chồng. Thứ tự các lễ được thực hiện rất chặt chẽ từng bước một. Từ ăn hỏi đến cưới là khá dài, có khi là nửa năm, hoặc cả năm. Nghi lễ đơn giản nhưng sang trọng. Miếng trầu quả cau là đầu câu chuyện. Vai vế tôn ti trật tự. Khuôn phép rõ ràng.


Bây giờ, cũng các lễ như vậy nhưng thực hiện vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu là ở chỗ mấy lễ ban đầu thường lễ không ra lễ. Tự do tìm hiểu nên người ta đơn giản hoá các thủ tục. Có khi chỉ là câu chuyện buổi tối với nhau như bao buổi tối khác. Lễ dạm ngõ không cần trầu cau, trà thuốc. Bố mẹ nhà trai đến nhà gái nói chuyện là được. Hoặc không cần dẫn cưới nữa. Dẫn cưới không cần hiện vật, quy tất ra phong bì đưa luôn hôm ăn hỏi là xong.


Đặc biệt, đối với các trường hợp ở xa, người ta thường chỉ tập trung vào hai lễ chính: ăn hỏi và vu quy. Tuy vậy, nếu nhà trai và nhà gái gần nhau thì nghi lễ lại diễn ra khá thừa và tùy tiện. Lễ ăn hỏi, lại mặt còn kết hợp với "giao lưu" giữa hai gia đình. Tại lễ ăn hỏi nhà trai đem lễ đến nhà gái buổi sáng, trưa ăn liên hoan bên đó, sau đó buổi chiều nhà trai lại mời nhà gái sang ăn liên hoan bên này gọi là giao lưu. Đến lễ "lại mặt" cũng lặp lại như thế. Chí ít cũng phải mươi, mười lăm mâm mỗi nhà. Cỗ bàn linh đình triền miên, liền tù tì xung quanh ngày cưới. Thường lễ ăn hỏi chỉ cách lễ cưới khoảng một tuần đến mươi ngày, chậm lắm cũng chỉ một tháng là cùng. Có đám lễ lại mặt lại được tổ chức ở nhà trai (?). Thật là kỳ cục, ngược đời.


Thứ hai, đó là việc uống rượu. Chưa bao giờ tệ uống rượu trong các đám cưới lại nở rộ như hiện nay. Thực khách vừa ngồi vào bàn, chưa kịp nâng đũa đã có một đội cầm chén đến "chúc sức khoẻ". Hết người nọ đến người kia, cấp tập "chúc sức khoẻ". Khách thì ghép cho đủ cỗ, đủ mâm, chẳng quen biết chi nên ngồi ăn mà cứ ngượng ngập lóng nga lóng ngóng. Có cụ bảy, tám mươi tuổi ngồi với vị khách trẻ ba, bốn mươi xuân(!). Các "ông trẻ" uống rượu còn hăng hơn các cụ già. Họ ngồi chiếm "diễn đàn" khá lâu trong nhà đám. Rồi sau đó thì cà khịa, phóng xe vù vù, ba bốn người trên một chiếc xe, không cần mũ bảo hiểm gì cả.


Đã không ít đám xảy ra tai nạn giao thông, đánh nhau vì rượu. Còn những hôm "giao lưu" hai họ thì... thực sự là một cuộc thi đấu uống rượu. Hai bên chuẩn bị cho mình một lực lượng uống rượu tốt để "chiến đấu". Ngày xưa, các cụ để ý nhau từng câu nói, rất thận trọng, ý tứ, "miếng trầu là đầu câu chuyện". Ngày nay, người ta lấy chén rượu làm đầu câu chuyện. Để ý nhau từ việc uống rượu. Chấp nhau, phạt nhau cũng từ chén rượu. Nhà trai hoặc nhà gái trụ lâu được, không bị say thì nhà đó "chiến thắng". Đám cưới từ chỗ vui vẻ đã dẫn đến những điều phải suy nghĩ, để lại những vết gợn và nỗi buồn chênh chao.


Mùa cưới đã bắt đầu rồi. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới là rất quan trọng. Thế nhưng, hình như các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể mới chỉ chú ý đến khâu kinh tế, hô hào tiết kiệm chứ chưa hướng dẫn cụ thể nghi lễ tổ chức một đám cưới sao cho vừa đúng với thuần phong mỹ tục, vừa hiện đại, sang trọng. Không nên đơn giản quá thành luộm thuộm, tuỳ tiện. Cũng không nên cầu kỳ quá thành phức tạp, hình thức. Tuy nhiên, cần phải có "quy trình" các bước cụ thể, đảm bảo trang nghiêm, lịch sự, văn minh, an toàn và tiết kiệm. Cưới hỏi là lễ trọng đại nhất của đời người. Do đó, cần thực hiện có bài bản, tạo ấn tượng tốt đẹp ghi nhớ mãi về sau.



Xuân Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN