Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Khắc - Trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre, cho biết: Sau khi đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, hai bệnh nhân trẻ em được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh); hiện sức khỏe hai em đã hồi phục, ổn định.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Cúc, 57 tuổi và Nguyễn Văn Nhuận, 51 tuổi được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Hai bệnh nhân được truyền nước, kích nôn, thở máy và điều trị triệu chứng. Sau khi được theo dõi, đến sáng 7/6, sức khỏe của 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục.
Người nhà các nạn nhân cho biết, do nhầm tưởng so biển là sam nên gia đình nạn nhân đã luộc ăn. Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Khắc, sam và so là hai loại động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Con so có thân hình nhỏ hơn sam. Đuôi sam có tiết diện hình tam giác, với 3 cạnh kéo dài đến tận cuối phần đuôi. Ở đỉnh tam giác có gai nhọn giống như lưỡi cưa. Đuôi con so thì ngược lại, có tiết diện hình tròn hoặc hình bầu dục và không hề có gai nhọn như sam biển. Sam thường sống theo từng cặp còn so chỉ sống riêng lẻ. Độc tố trong so biển là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Khắc khuyến cáo người dân cần chú ý hình dạng sam biển trước khi chế biến ăn để tránh nguy hiểm; sau khi ăn nếu có dấu hiệu ói mửa, tê tay chân cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gấp để kịp thời cứu chữa.