Tình trạng bạo lực leo thang tại Libya đã khiến thêm nhiều nước buộc phải sơ tán các công dân của mình tại quốc gia Bắc Phi này.
Người nước ngoài lũ lượt rời Libya qua cửa khẩu Ras Jedir ngày 1/8. Ảnh: AFP |
Ngày 1/8, Đại biện lâm thời Nga tại Tunisia Konstantin Klimovsky cho biết các nhân viên thuộc các phái bộ ngoại giao của Nga và Belarus tại Libya đã được sơ tán sang Tunisia. Trong khi đó, khoảng 121 công dân Trung Quốc cũng đã tới Tunisia và đang trên đường tới thủ đô Tunis của nước này. Từ đây, họ sẽ được đưa về Trung Quốc bằng đường không.
Trong khi đó, một tàu chiến của Hy Lạp cũng đã bắt đầu hải trình rời Libya về nước với hàng trăm công dân nước này và một số nước khác. Chính phủ Philippines cho biết nước này đang chuẩn bị mọi công tác cho việc sơ tán 13.000 công dân khỏi Tripoli do tình trạng bạo lực leo thang và sau các vụ việc công dân Philippines bị bắt cóc và sát hại tại Libya. Tuy nhiên, Manila thừa nhận đây là một kế hoạch không dễ dàng do số công dân nước này tại đây quá lớn. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã lên đường tới Tunisia, quốc gia láng giềng của Libya, để tổ chức sơ tán công dân. Các nước Mỹ, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng đã đưa các công dân của mình về nước.
Libya đang chứng kiến tình trạng leo thang bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Moamer Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011. Các cuộc giao tranh giữa các nhóm Hồi giáo vũ trang và các lực lượng thế tục đã tàn phá nhiều thành phố và thị trấn của Libya, trong đó có thủ đô Tripoli, buộc nhiều nước và tổ chức quốc tế phải sơ tán công dân hoặc đóng cửa các cơ quan ngoại giao. Tình trạng bạo lực trong gần một tháng qua tại Libya đang có nguy cơ đẩy nước này đến bờ vực nội chiến, thậm chí có thể đẫm máu hơn cuộc nội chiến năm 2011. Từ ngày 13/7 vừa qua, bạo lực bùng phát tại thủ đô Tripoli của Libya đã khiến ít nhất 214 người thiệt mạng và khoảng 981 người bị thương.
TTXVN/ Tin tức