Chính phủ Philippines ngày 31/7 cho biết nước này đang chuẩn bị mọi công tác cho việc sơ tán 13.000 công dân khỏi Tripoli do tình trạng bạo lực leo thang và sau các vụ việc công dân Philippines bị bắt cóc và sát hại tại Libya.
Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã lên đường tới Tunisia, quốc gia láng giềng của Libya, để tổ chức sơ tán công dân.
Phát biểu trước khi rời Manila, ông Rosario cho biết thách lớn lớn nhất hiện nay là thuyết phục công dân Philippines rời quốc gia Bắc Phi này trong thời gian sớm nhất có thể nhằm tránh những thiệt hại do xung đột tại Libya.
Một nạn nhân bị thương trong vụ giao tranh giữa các nhóm vũ trang gần sân bay quốc quốc tế ở Tripoli ngày 27/7. Ảnh: AFP-TTXVN |
Bộ trưởng Rosario cho biết mặc dù tình hình tại Libya hiện rất nguy hiểm, song nhiều công dân Philippines, trong đó chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng và y tế, từ chối sơ tán do lo ngại tình trạng thất nghiệp khi trở về nước. Theo bộ trên, hiện mới có khoảng 700 công dân Philippines rời Libya.
Kế hoạch sơ tán công dân được Chính phủ Philippines đưa ra trong bối cảnh có các vụ tấn công nhằm vào công dân nước này đang sinh sống và làm việc tại Libya. Ngày 30/7, một nữ y tá người Philippines đã bị một nhóm người bắt cóc và hiếp dâm ngay tại Tripoli. Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại trước những tội ác nhằm vào công dân Philippines tại Libya.
Trước đó, ngày 20/7, Chính phủ Philippines đã ra quyết định sơ tán công dân, đồng thời cấm người dân nước này tới Libya sau khi phát hiện thi thể của một công nhân xây dựng người Philippines tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 31/7, Chủ tịch Ủy ban tình trạng khẩn cấp và khủng hoảng trực thuộc Bộ Y tế Libya, ông Abdul Rauf cho biết hệ thống y tế của nước này đang có nguy cơ sụp đổ sau khi hàng nghìn nhân viên y tế người nước ngoài sơ tán về nước.
Theo ông Rauf, việc nhiều nước sơ tán công dân, trong đó có 3.000 nhân viên y tế người Philippines, đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống y tế của Libya. Hiện nhiều phòng khám và bệnh viện lớn phải "mượn" nhân viên lẫn nhau đề bù đắp việc thiếu hụt nhân sự.
Libya đang chứng kiến tình trạng leo thang bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Moamer Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011. Các cuộc giao tranh giữa các nhóm Hồi giáo vũ trang và các lực lượng thế tục đã tàn phá nhiều thành phố và thị trấn của Libya, trong đó có thủ đô Tripoli, buộc nhiều nước và tổ chức quốc tế phải sơ tán công dân hoặc đóng cửa các cơ quan ngoại giao. Tình trạng bạo lực trong gần một tháng qua tại Libya đang có nguy cơ đẩy nước này đến bờ vực nội chiến, thậm chí có thể đẫm máu hơn cuộc nội chiến năm 2011.
TTXVN/Tin tức