Các phần tử ly khai ở miền Nam Yemen đã rút khỏi các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại nước này.
Một thành viên của Phong trào miền Nam Yassin Mekkawi ngày 28/2 cho biết lực lượng này đã ngừng tham gia đối thoại dân tộc do Đặc phái viên LHQ về Yemen, Jamal Benomar làm trung gian hoà giải. Theo ông Mekkawi, các nhà đàm phán đang ngày càng phải đối mặt nhiều với những áp lực chính trị và tâm lý trong bối cảnh đặc phái viên LHQ Benomar đang thuyết phục các đảng phái tại Yemen ngồi lại vào bàn đàm phán ở thủ đô Sanaa nhằm đảm bảo chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị tại nước này. Tuy nhiên, các phe phái chính trị tại Yemen hiện đang bất đồng về địa điểm tổ chức đàm phán.
Các thành viên Hội đồng bảo an LHQ thông qua nghị quyết về tình hình Yemen tại cuộc họp ở New York. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu với các phóng viên ngày 26/2 sau cuộc gặp Tổng thống Mansour Hadi hiện đang ở Aden sau khi thoát khỏi sự quản thúc tại gia của phiến quân Hồi giáo Houthi, ông Benomar cho biết Tổng thống Hadi muốn cuộc đàm phán được chuyển đến một nơi an toàn và được sự chấp thuận của các đảng. Trong khi đó, đảng của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người từ chức hồi đầu năm 2012, yêu cầu tổ chức đàm phán tại Sanaa, nếu không sẽ tẩy chay đàm phán.
Yemen rơi vào hỗn loạn sau khi phiến quân Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014. Sau đó, lực lượng này tuyên bố thành lập "Hội đồng tổng thống" để thay thế Tổng thống Mansour Hadi, Thủ tướng Khalid Bahah và toàn bộ nội các sau khi những người này đệ đơn từ chức. Tuy nhiên đến ngày 24/2, sau khi thoát khỏi lệnh quản thúc tại gia của lực lượng Houthi ở thủ đô Sanaa, Tổng thống Hadi đã tới Aden và rút lại tuyên bố từ chức, đồng thời gửi thư tới Quốc hội kêu gọi các nghị sĩ hợp tác đưa "tình hình an ninh và kinh tế đất nước trở lại bình thường".
Tình hình bất ổn ở Yemen đã buộc chính phủ nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Sanaa và khuyến cáo công dân nhanh chóng rời khỏi nước này.
Trong một diễn biến khác, Kuwait đã tiếp bước 2 nước Vùng Vịnh là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) mở lại đại sứ quán tại Yemen tại thành phố cảng Aden ở miền Nam Yemen, thay vì thủ đô Sanaa hiện đang bị các phiến quân Hồi giáo Houthi kiểm soát. Hãng thông tấn chính thức KUNA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Kuwait nêu rõ: "Trong khuôn khổ việc ủng hộ tính hợp pháp (của chính phủ) ở Yemen mà Tổng thống Mansour Hadi là người đại diện, Kuwait quyết định mở lại đại sứ quán tại thành phố Aden". Theo bộ trên, quyết định này phù hợp với một thỏa thuận được ngoại trưởng 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) ký kết.
Trước đó, Saudi Arabia và UAE cũng đã tuyên bố sẽ mở lại đại sứ quán tại Aden.
TTXVN/Tin tức