Vấn đề hôn nhân cận huyết ở Lào Cai ngày càng trở nên cấp bách. Trong số hàng chục đôi vợ chồng vốn có quan hệ họ hàng (thậm chí là họ rất gần) ở xã Bản Liền (huyện Bắc Hà), mới chỉ có "vợ chồng" Vàng A Toán và Vàng Thị Nhung bị xử phạt hành chính. Để giải quyết tình trạng khá phổ biến này ở Bản Liền nói chung và một số xã vùng cao của tỉnh Lào Cai nói riêng, theo một số cán bộ ngành chức năng của huyện Bắc Hà là "vô cùng khó bởi còn nhiều nguyên nhân!".
Năm 2007, tỉnh Lào Cai đã khảo sát về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại 44 xã của 9 huyện, thành phố. Kết quả, trong 224 cặp kết hôn cận huyết, có 221 cặp là con bá lấy con dì, con chị gái lấy con em trai, cháu lấy dì, chú lấy cháu, cháu lấy cô. Cá biệt có 3 cặp là con anh trai lấy con em trai. Trong 558 trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng này có 51 trẻ phát triển không bình thường. Các cháu bị bạch tạng, thiểu năng trí tuệ, liệt, câm, lông mi trắng, thọt, đần độn, 8 trẻ đã chết.
Trước thực trạng đó tỉnh Lào Cai đã tuyên truyền mạnh và yêu cầu các xã báo cáo hàng năm về hiệu quả can thiệp. Nhưng vì bệnh thành tích nên nhiều xã bao che, cán bộ xã chưa vào cuộc. Thậm chí, chính gia đình cán bộ xã cũng có hôn nhân cận huyết.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin về các đối tượng có họ hàng gần lấy nhau trông chờ chủ yếu vào báo cáo của địa phương, trong khi đa số cán bộ cơ sở là người bản địa, nhiều người có họ hàng với nhau, hoặc cùng dân tộc nên biện pháp này chưa hiệu quả.
Các ngành chức năng của huyện Bắc Hà từ nhiều năm nay đã rất chú trọng tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến hậu quả có thể khiến đứa con các cặp vợ chồng này sinh ra bị dị tật, bị đao, lùn về tầm vóc...
Năm 2009, huyện ủy Bắc Hà đã ra chỉ thị về ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù chưa thống kê cụ thể số cặp vợ chồng ở Bản Liền liên quan đến hôn nhân cận huyết thống và những hậu quả của nó, nhưng theo người dân ở đây, đã có một số cháu nhỏ sinh ra chừng 2 tháng tuổi thì chết.
Tuy nhiên, chưa có đánh giá về nguyên nhân dẫn đến cái chết của các cháu nhỏ, nên chưa thể khẳng định là do hậu quả của hôn nhân cận huyết thống. Có thể đây là lý do khiến bài học thực tế về hậu quả hôn nhân kiểu này chưa đủ sức răn đe các gia đình.
Theo bà Hoàng Thị Cháng, Trưởng ban Dân vận tỉnh Lào Cai - người đã dành nhiều năm để nghiên cứu và vận động người Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc không tảo hôn và lấy nhau cận huyết "Cần có những chứng cứ, lý lẽ để thuyết phục người dân. Nếu ngành y tế có đánh giá mức độ ảnh hưởng của hôn nhân cận huyết, có bằng chứng khoa học cung cấp cho các ngành khác thì các cơ quan làm công tác tuyên truyền, vận động sẽ có thể giải thích rõ cho người dân".
Tuy nhiên, đây không phải là bài toán không có lời giải. Ví dụ điển hình là việc tuyên truyền như "mưa dầm thấm lâu" đã mang lại những kết quả khả quan đối với người Mông Xanh cư trú ở xã Nậm Xé huyện Văn Bàn (Lào Cai). Trước đây, tập tục hôn nhân của dân tộc này chỉ cho phép lấy người cùng dân tộc, vì vậy các cặp vợ chồng cùng hoặc cận huyết thống rất phổ biến.
Hậu quả là giống nòi bị thoái hóa, tỷ lệ dị tật, thiểu năng ở mức rất cao, phần lớn người Mông xanh trưởng thành chỉ cao khoảng 1m50. Nhờ sự quyết liệt trong công tác tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tập tục này tới nay đã cơ bản được xóa bỏ. Đã có những chàng trai, cô gái người Mông xanh đi lấy vợ, lấy chồng người dân tộc khác, mở ra triển vọng tồn tại và phát triển tộc người thiểu số đặc biệt này ở nước ta.
Đây có thể coi là một tín hiệu vui động viên các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai can thiệp mạnh mẽ và kiên trì hơn nữa ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống./.
Hương Thu