Mặc dù các cấp, các ngành tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, thế nhưng ý thức tự nguyện của người nghiện và gia đình họ chưa cao, dẫn đến việc cai nghiện chưa mang lại hiệu quả.
Nhiều cái khó
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chi cục Phó- Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Việc triển khai cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao, trong đó khó khăn nhất nằm ở công tác tuyên truyền. Nhiều đối tượng, gia đình người nghiện, thậm chí cả cộng đồng vẫn còn nghĩ khi đăng kí chữa nghiện sẽ bị bắt đi cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, thành phố đã chuyển sang phương thức tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng”.
Người cai nghiện ở cộng đồng cần có việc làm ổn định để thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. |
Theo ghi nhận của phóng viên, việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng dù đã triển khai gần 3 năm (từ 2010-2013), nhưng hầu như chưa có đối tượng nào tự nguyện đến đăng kí khai báo tình trạng để được chữa bệnh. Nếu có, họ cũng đăng kí tại những cơ sở tư nhân hoặc nơi nào mà họ không cần khai báo thông tin để tránh ánh mắt kì thị của mọi người.
Bên cạnh đó, mặc dù thành phố đã có văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đến các quận huyện, nhưng đến nay chỉ có 15/24 quận huyện có xây dựng kế hoạch. “Từ chuyện các quận, huyện chưa xây dựng kế hoạch cũng thể hiện sự chưa quan tâm nhiều của lãnh đạo địa phương đối với công tác này. Do đó, sẽ hạn chế sự chỉ đạo hoặc chỉ đạo không kịp thời của chính quyền địa phương tới các đối tượng, đặc biệt hạn chế trong việc cung cấp một số dịch vụ chuyển, gửi giữa các quận huyện này với quận huyện khác”- bà Phượng cho biết.
Ngoài ra, năng lực của cán bộ chuyên trách ở địa phương còn hạn chế, đặc biệt là cán bộ tại các xã, phường. Bởi nơi này hầu như không có lực lượng chuyên trách có trình độ chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy. Đa số cán bộ đều là kiêm nhiệm, giao cho các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh chịu trách nhiệm quản lý, không có thù lao.
Làm điểm và nhân rộng
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho rằng mục tiêu triển khai việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng ma túy có cơ hội cai nghiện tại chỗ mà vẫn không bị gián đoạn học tập, làm việc và không bị cách ly với môi trường xã hội. Vì vậy, cán bộ chuyên trách địa phương, cán bộ trung tâm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cần coi người nghiện là khách hàng, thể hiện được uy tín để bệnh nhân tin tưởng, hợp tác mới mong đạt hiệu quả cao.
Để tháo gỡ những khó khăn nhằm triển khai việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đạt hiệu quả cao, bà Phượng cho rằng, quan trọng hàng đầu vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, cảm hóa đối tượng tại cộng đồng. Trong đó, chú trọng hình thức sinh hoạt nhóm nhỏ, nội dung truyền tải phù hợp theo từng nhóm đối tượng, nhấn mạnh việc khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện không thuộc diện đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, để người dân an tâm và hưởng ứng thực hiện. Bên cạnh đó, cần tổ chức những chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa những người cai nghiện thành công tại khu phố, tổ dân phố để có bằng chứng và mời gọi trách nhiệm của cộng đồng trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghiện tự nguyện khai báo tình trạng nghiện và đăng ký các hình thức điều trị.
Còn theo ông Minh, để nâng cao năng lực cho cán bộ phường xã cần sự phối hợp, vào cuộc của ngành y tế như trang bị thêm cơ sở vật chất, bổ sung cán bộ, y bác sỹ; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ tại tuyến phường, xã.
“Để thúc đẩy trách nhiệm của UBND quận, huyện, phường, xã khi triển khai cai nghiện tại cộng đồng, thành phố cần thiết đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng năm để có cơ sở đánh giá khen thưởng, kỷ luật đối với những đơn vị làm tốt hoặc chưa tốt. Mặt khác, quận huyện cũng cần triển khai và thực hiện có hiệu quả “Đề án dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người đang cai và sau cai nghiện” nhằm giúp họ có việc làm ổn định, hạn chế nguy cơ tái nghiện”- bà Phượng cho biết thêm.
Được biết, từ nay đến cuối năm 2013, thành phố sẽ chọn từ 1 đến 2 quận để thực hiện làm điểm về mô hình hỗ trợ của địa phương đối với công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng sau đó sẽ nhân rộng ra các quận huyện khác.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết