Anh Sùng A Sớ ở xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò (huyện Mai Châu) cho biết: Trước đây, đường sá vào bản đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Từ khi được Nhà nước làm đường giao thông, điện lưới và nước sinh hoạt… nay trời có mưa bão đi ra đường cũng không ngại, đêm tối bà con đến thăm hỏi nhau cũng tiện. Đặc biệt, trường lớp học cho các cháu, nơi hội họp và khám chữa bệnh cho bà con dân bản, tất cả đã được xây dựng khang trang, hiện đại và phù hợp với người dân.
Những con đường liên bản được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Vũ Hưng |
Chị Nguyễn Thị Mai ở xóm Sỹ, xã vùng sâu Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy chia sẻ: Kể từ năm 2012, thay vì đi bộ từ trên núi về trung tâm xã bằng lối mòn, hiểm trở, gồ ghề toàn đá hộc, bà con đã có đường mới rộng 3 m rải cấp phối thuận tiện cho việc đi lại. Nhờ đó, học sinh không còn vất vả khi tới trường, người dân mỗi khi đau ốm có thể tới bệnh viện kịp thời và sản phẩm hàng hóa của bà con làm ra lưu thông dễ dàng hơn, không bị thương lái ép giá...
Sản phẩm mía đỏ của đồng bào không còn bị tư thương ép giá. Ảnh: Vũ Hưng |
Đến nay, Dự án giảm nghèo giai đoạn II đã đầu tư, bàn giao và đưa vào sử dụng 166 gói thầu xây lắp cơ sở hạ tầng quy mô cấp xã. Trong đó, 72 công trình giao thông với chiều dài hơn 60 km, gần 10.000 người dân được hưởng lợi. Các tuyến đường xây dựng chủ yếu vào nơi sản xuất, giúp bà con giảm thời gian, chi phí, sức lao động, mở rộng diện tích canh tác, tăng giá trị sản phẩm. Về thủy lợi, có 76 công trình ổn định nước tưới cho khoảng 1.611 ha ruộng; 17 công trình nước sinh hoạt cung cấp nước hợp vệ sinh cho 1.771 hộ hưởng lợi, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, giúp tăng vụ, tăng năng suất cây trồng và giảm đáng kể thời gian, công sức.
Cơ sở hạ tầng phát triển tạo điều kiện cho đồng bào sản xuất. Ảnh: Vũ Hưng |
Ông Bùi Minh Tráng, Trưởng Ban quản lý Dự án giảm nghèo giai đoạn II tỉnh Hòa Bình cho biết: Dự án nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ đã giúp người dân có điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%, bình quân giảm 2,4%/năm.