Cán bộ y tế tuyến trên hồ hởi 'đi nghĩa vụ'

Từ ngày 15/4/2013, mỗi cán bộ y tế tuyến trên sẽ đi luân phiên tại tuyến cơ sở trong thời gian tối thiểu là 6 tháng (có thể chia thành nhiều đợt).


“Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề (gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh viên, kỹ thuật viên) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ 15/4 theo tôi là rất thiết thực”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định.


Sau khi được chuyển giao những kỹ thuật hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn (Hải Dương) đã cứu sống nhiều ca bệnh khó trước đây phải chuyển tuyến. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Theo PGS Dũng, việc Chính phủ quyết định hỗ trợ thêm 50% lương có tác dụng khích lệ cán bộ y tế “đi nghĩa vụ”. Như vậy, ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp tại nơi cử đi luân phiên, cán bộ y tế còn được hưởng thêm 50% lương, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)… Đặc biệt, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên (có quyết định khen thưởng) thì cán bộ y tế còn được xét ưu tiên nâng bậc lương trước thời hạn hoặc thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo quy định.


Ngoài những chế độ lương, thưởng đang được hưởng tại bệnh viện tuyến trên, cán bộ đi luân phiên sẽ được trợ cấp thêm 50% lương, đồng thời được xét ưu tiên nâng lương trước thời hạn nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Tuy nhiên, để cán bộ y tế nhiệt tình về tuyến y tế cơ sở thì ngành y cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hơn nữa để mọi người hiểu rằng đi luân phiên là một nghĩa vụ cao cả. Khi xuống dưới cơ sở, cán bộ y tế tuyến trên sẽ khám, chữa bệnh được cho nhiều bệnh nhân hơn. Những kiến thức mới, kỹ thuật mới từ tuyến trên sẽ được nhân rộng tới nhiều cán bộ y tế tuyến dưới hơn. Và khi tay nghề của các bác sĩ tuyến dưới được nâng cao, người bệnh sẽ tin tưởng, khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Như vậy, bài toán quá tải ở tuyến trên ắt sẽ tìm được lời giải và các bác sĩ tuyến trên cũng sẽ đỡ vất vả hơn” PGS Dũng cho biết.


Dựa trên những trải nghiệm của một cán bộ từng đi luân phiên về tuyến y tế cơ sở, BS Phạm Công Khắc, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay: “Được hỗ trợ thêm 50% lương là quá tốt đối với cán bộ đi luân phiên. Trước đây, không có sự hỗ trợ này, chúng tôi vẫn đi và luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, với thời gian luân phiên (trong suốt quá trình công tác) tối thiểu là 6 tháng, tối đa là 12 tháng thì hầu hết cán bộ y tế, nhất là cán bộ trẻ đều sẵn sàng “đi nghĩa vụ”.


BS Khắc tin tưởng rằng, hoạt động luân phiên cán bộ y tế về cơ sở rồi đây sẽ đạt được hiệu quả cao hơn khi cùng một lúc Bộ Y tế đang triển khai rất nhiều giải pháp như: Quy định chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816, Đề án giảm quá tải bệnh viện, Đề án bệnh viện vệ tinh…


Hiện nay, thay bằng việc “thầy” (tuyến trên) phải đi tìm “trò” (tuyến dưới) như Đề án 1816 trước đây thì ngược lại, tuyến dưới phải tìm tới các BV tuyến trên, đề nghị cụ thể về những gói dịch vụ kỹ thuật cần chuyển giao. Trước khi kíp cán bộ của tuyến trên về tuyến dưới để chuyển giao kỹ thuật, tuyến dưới phải cử cả một kíp cán bộ (trong ngoại khoa là BS phẫu thuật, BS gây mê, điều dưỡng) về BV tuyến trên để học về chuyên môn, cách thức tổ chức đồng thời chuẩn bị phương tiện kỹ thuật cần thiết. Hoạt động luân phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới chỉ kết thúc khi hiệu quả công việc đạt kết quả như cam kết được quy định ở hợp đồng công việc giữa hai bên.


“Nhiều năm qua, BV Việt Đức đã chuyển giao rất nhiều kỹ thuật cho tuyến dưới theo phương thức này. Hiệu quả công việc rất tốt. Đơn cử, hai năm trước Khoa Tim mạch đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở cho BV Đa khoa tỉnh Bình Định. Tới nay, các bác sĩ BV đa khoa tỉnh Bình Định đã tự mổ tim hở cho rất nhiều bệnh nhân mà không cần tới sự trợ giúp của BV tuyến TƯ”, ThS Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Việt Đức, cho hay.


Tuy nhiên, có một vấn đề mà nhiều cán bộ y tế còn khá băn khoăn, đó là không ít bệnh viện tuyến cơ sở đang chú trọng triển khai kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi, ghép tim…; trong khi đó, chính các cơ sở y tế này lại chưa làm tốt công tác chống nhiễm khuẩn, quản lý điều dưỡng, chăm sóc sơ sinh… Do đó, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về việc triển khai quy định thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế; đồng thời đưa ra định hướng cho các cơ sở y tế về việc triển khai các kỹ thuật cần thiết dựa trên cung - cầu thực tế của từng đơn vị và từng địa phương, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, mất cân đối giữa các kỹ thuật, các chuyên ngành.



Phương Liên

Cán bộ y tế hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân
Cán bộ y tế hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân

Nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch đã được cứu sống kịp thời nhờ nguồn máu từ Câu lạc bộ ngân hàng máu sống (CLB) của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN