Hướng tới BHYT toàn dân và người tham gia BHYT thực sự được hưởng quyền lợi, tháng 4/2013, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải giảm thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh. Mặc dù đã có nhiều thay đổi, nhưng nhìn chung vẫn chưa có cải tiến đáng để.
Để đơn giản hơn quy trình, bệnh viện Quận 2 đã cắt giảm nhiều thủ tục, như không cần bản sao chứng minh nhân dân, thẻ BHYT, đồng thời tăng số bàn khám lên 30 bàn... Từ đó, kéo giảm thời gian chờ khám xuống còn khoảng 1 giờ nếu khám lâm sàng và nếu thực hiện các xét nghiệm chỉ mất hơn 2 giờ. Còn tại bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, nếu như trước đây bệnh nhân phải trải qua 12 khâu làm thủ tục hành chính như: Lấy số thứ tự, nộp thẻ BHYT, đóng tiền khám, lấy số phòng khám bệnh, đóng tiền cho các xét nghiệm, đi xét nghiệm... hiện cũng đã giảm bớt.
Theo bác sỹ Lê Thanh Chiến, Giám đốc bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bệnh viện đã cải tiến nhiều thủ tục như triển khai đặt lịch hẹn qua điện thoại, web; kết quả xét nghiệm, chẩn đoán được trả trực tiếp về buồng khám (qua mạng internet hoặc qua hệ thống chuyển trực tiếp của bệnh viện); ứng dụng phần mềm tương tác thuốc và kết hợp ngân hàng phát hành thẻ thông minh để thanh toán viện phí... Còn theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh viện đã cải thiện một số thủ tục như mã vạch hóa thông tin bệnh nhân để không phải tốn thời gian ghi lại và bệnh nhân tái khám không phải chờ...
Trong buổi khảo sát vừa qua của Bộ Y tế về công tác khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, bên cạnh việc các bệnh viện cải tiến quy trình khám chữa bệnh thì cơ quan BHXH cũng cần xem xét lại thủ tục giấy tờ để giảm phiền hà cho bệnh nhân khám BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, BHXH Việt Nam vừa ban hành quyết định cắt giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan đến khám chữa bệnh bằng BHYT. Theo đó, đã bỏ quy định phải có bản sao y giấy chuyển viện của tuyến dưới, hoặc ghi số giấy chuyển viện của tuyến dưới khi người bệnh được chuyển tuyến khám chữa bệnh; bỏ yêu cầu xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh nơi tiếp nhận bệnh nhân trong các trường hợp được hưởng chi phí vận chuyển... Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện Thông tư quy định việc chuyển tuyến và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Chẳng hạn như quy định cụ thể danh mục các loại bệnh được sử dụng giấy hẹn khám lại trong thời gian một năm; quy định cụ thể việc người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh mà được các bác sỹ phát hiện thêm các bệnh khác trong quá trình điều trị sẽ không phải xin lại giấy chuyển tuyến từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu...
Đan Phương - Hoàng Tuyết