Từ năm 2004, huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) đã giao 4 tiểu khu rừng tự nhiên (gồm tiểu khu 87, 95, 103, 110), với tổng diện tích trên 1.080 ha, cho 21 nhóm hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các thôn, buôn trên địa bàn xã nhận khoán quản lý, bảo vệ trong thời gian 50 năm, nhằm góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào. Thế nhưng từ sau khi giao khoán rừng đến nay, diện tích rừng trên địa bàn vẫn bị chặt phá, lấn chiếm, nhất là từ năm 2006 trở lại đây.
Đối tượng phá rừng chủ yếu là các hộ gia đình đồng bào dân tộc ở phía Bắc di cư đến ngoài kế hoạch và đồng bào ở các xã giáp ranh như Ea Tân, Ea Tó, Phú Lộc, Đliê Ya (huyện Krông Năng) đến khai thác gỗ và lấn chiếm đất rừng lập lán trại, khu sản xuất nông nghiệp trái phép. Theo báo cáo của UBND xã Ea Hiao, thống kê sơ bộ trên diện tích rừng, đất rừng đã giao cho 21 nhóm hộ thì có trên 100 hộ dân của huyện Krông Năng và đồng bào dân tộc ở phía Bắc di cư đến ngoài kế hoạch. Các gia đình di cư đã chặt phá, lấn chiếm trên 118 ha rừng để làm khu dân cư, khu sản xuất tự phát trái phép. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích rừng, đất rừng đã giao cho các nhóm hộ này bị chặt phá, lấn chiếm còn cao hơn. Ông Đặng Đình Lập - cán bộ địa chính xã Ea Hiao cho biết: Tại tiểu khu 103 có trên 190,5 ha rừng nhưng nay đã xoá sổ hoàn toàn, thay vào đó là cà phê, ngô và lán trại, nhà ở của các đối tượng phá, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Việc cố tình chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép không những làm suy giảm tài nguyên rừng, mà còn gây mất trật tự an ninh trên địa bàn xã Ea Hiao do tranh chấp rừng, đất rừng trái phép với các nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Không riêng gì trên địa bàn xã Ea Hiao mà nhiều diện tích rừng, đất rừng được giao khoán cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng thôn, buôn quản lý, bảo vệ trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, Krông bông, Lắk… cũng bị chặt phá, xâm canh, lấn chiếm rừng, đất rừng trái phép ồ ạt. Địa phương và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng trên.
Quang Huy