Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm thời vẫn áp dụng biểu giá bán lẻ điện cũ, sau khi rà soát lại chi phí sản xuất điện năm 2012 thì mới có mức đề xuất giá điện mới. Tuy nhiên, những quy định mới trong dự thảo về cơ cấu biểu giá bán điện vừa được Bộ Công Thương công bố vẫn đang được dư luận hết sức quan tâm. Bởi, nếu áp dụng biểu giá điện mới, việc tính giá điện sẽ có nhiều thay đổi so với hiện nay.
Giảm giá điện sinh hoạt
Theo ý kiến của giới chuyên môn, dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đã đưa ra những thay đổi mạnh mẽ hơn từ biểu giá cho đến đối tượng áp dụng. So với quy định hiện tại thì biểu giá mới giảm hơn cho người sử dụng điện sinh hoạt nhưng tăng giá đối với các ngành sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng
Theo dự thảo, giá bán lẻ điện cho người tiêu dùng sinh hoạt có một số thay đổi so với biểu giá hiện hành. Cụ thể là biểu giá bán lẻ 7 bậc được rút xuống còn 6 bậc, bậc thứ 3 và thứ 4 gộp lại, do vậy giá điện sinh hoạt từ 0 - 100 kWh vẫn giữ nguyên; từ kWh thứ 101-200 chỉ bằng 108% giá điện bình quân (thay vì 106% cho kWh 101-150 và 134% cho kWh 151-200 như hiện nay); từ kWh 201-300 chỉ bằng 1% giá điện bình quân (thay vì 145%); giá điện cho phần kWh từ 301-400 là 154% (thay vì 155%).
Tuy nhiên, từ 401 kWh trở lên, giá điện sinh hoạt tăng đến 6% (từ 159% lên 165% giá điện bình quân). Còn giá bán lẻ điện cho kinh doanh giảm 5% (giờ bình thường), 3% (giờ thấp điểm) và 8% (giờ cao điểm) cho các cấp điện áp. Với cách tính này, hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình sử dụng điện sinh hoạt dưới 150 kWh sẽ phát sinh thêm 7 - 157 đồng mỗi kWh. Với ngành sản xuất như sắt thép và xi măng… sẽ phải chịu giá điện cao hơn lĩnh vực sản xuất khác từ 2 - 16%.
Tăng giá điện cho sản xuất thép, xi măng
Ngoài cơ cấu lại mức giá điện sinh hoạt, dự thảo còn cơ cấu lại tỷ lệ giá bán lẻ điện cho kinh doanh. So với quy định hiện hành, quy định mới dự kiến giảm 5% giá điện kinh doanh ở giờ bình thường, giảm 3% ở giờ thấp điểm và giảm 8% đối với giờ cao điểm ở các cấp điện áp. Với quy định này, sắp tới, kể cả doanh nghiệp có tiêu thụ điện năng ở giờ cao điểm nhiều hơn bình thường thì vẫn tiết kiệm được chi phí tiền điện so với hiện nay.
Tuy nhiên, cái khác là trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương đề xuất áp dụng mức giá điện riêng cho ngành sản xuất sắt thép và xi măng. Những ngành này sẽ chịu mức giá điện cao hơn so với các ngành sản xuất thông thường và mức đề xuất tăng từ 2 - 7% so với hiện hành.
“Phải chấp nhận tương lai giá điện sẽ còn tăng nữa. Nhưng không nên tăng lúc này và không nên chỉ tăng với thép và xi măng”.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam |
Dự kiến về việc tăng giá điện đối với ngành sản xuất thép, xi măng không nhận được sự đồng tình của các ngành này vì tăng giá điện đồng nghĩa với tăng chi phí đầu vào trong khi tiêu thụ đầu ra lại đang gặp nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Minh Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết: “Giá điện cho sản xuất xi măng hiện đã lên tới 200 nghìn đồng/tấn. Nếu giá điện tăng lên nữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành xi măng bởi lẽ giá xi măng không thể tăng lên được nữa. Lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể và hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn”.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng: Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thép, thậm chí có khả năng “giết chết” ngành thép. Điều này là không công bằng đối với ngành sản xuất thép trong bối cảnh hiện nay. Ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng: ‘Trong lúc chủ trương chung của Chính phủ là tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm, giãn thuế, hạ lãi suất... nhằm hạ thấp chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh để khuyến khích tiêu dùng, thì việc tăng giá điện là động thái ngược lại, nhất là khi điện cho sản xuất thép, xi măng lại được đề xuất tăng từ 2% tới 16%. Nên chăng, hãy giúp các doanh nghiệp đứng vững để đi lên đã, thay vì tăng giá”. Ông Nghi cũng cho biết, VSA đang lấy ý kiến của các doanh nghiệp để làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng về vấn đề này.
Giá điện phải từng bước theo cơ chế thị trường
Theo Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đinh Thế Phúc cho biết, điều chỉnh giá điện phải căn cứ vào nhiều yếu tố, thời điểm thích hợp, mức điều chỉnh bao nhiêu cần được tính toán để không tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Hiện, EVN hoàn thành báo cáo kiểm toán 2012, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng đang rà soát lại chi phí năm 2012, sau khi có kết quả rà soát chi phí sẽ có mức đề xuất giá điện.
Đối với quy định trong dự thảo về giá điện cho các nhà mày ximăng và sắt thép, theo ông Đinh Thế Phúc, giá điện cho 2 ngành này được tách riêng và đề xuất ở tăng cao hơn các ngành khác là nhằm loại bỏ những nhà máy dùng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều nhiên liệu.
Ông Phúc cũng cho biết thêm, hai ngành trên có mức tiêu thụ điện năng lớn và do những năm qua, giá điện được bù lỗ nên nhiều dự án thép đã đăng ký đầu tư, trong đó, nhiều dự án không quan tâm đến đầu tư công nghệ hiện đại để giảm chi phí.
Theo Bộ Công Thương, trước đây, giá bán điện cho sản xuất thép, xi măng được bù lỗ xuất phát từ chủ trương của Nhà nước là muốn các ngành sản xuất phát triển để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc bù lỗ giá điện không còn hợp lý khi hai năm gần đây, giá bán than cho ngành điện đã được đẩy lên để ngành than không phải bù lỗ cho ngành điện. Hơn nữa, việc bù giá sẽ phải kết thúc để tránh những chuyện bù giá chéo, làm cho hạch toán chi phí của từng ngành sản xuất và của cả nền kinh tế bị méo mó.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong tương lai, việc tăng giá điện cho theo kịp với giá thị trường là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng như thế nào cho công bằng và tăng vào thời điểm nào là điều cần được các cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng.
Thu Hường - Hà Vy