Chỉ đến khi trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) xuất hiện các cơn mưa lớn, mực nước ở các con sông, suối dâng cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của 217 hộ dân, gồm 1.000 nhân khẩu tại xã Đăk Nên, chính quyền sở tại và chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Đrinh mới sốt sắng di dân đến khu tái định cư (TĐC). Nhưng khu TĐC, nơi mà 1.000 con người sẽ ăn, ở đang ra sao? Điện, nước chưa kéo về, đường giao thông, trường học, nhà cửa... còn ngổn ngang xây dựng. Đó là chưa tính đến chuyện đất sản xuất có trồng cấy được hay không?
Câu chuyện di dân vì thủy điện ở xã Đăk Nên chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm về tình trạng khó khăn của người dân sống ở các khu TĐC thủy điện. Ngay cả thủy điện Sơn La, kể từ ngày chặn dòng dâng nước đến nay là 3 năm, chế độ trợ cấp đời sống cho đồng bào tái định cư đã kết thúc, song nhiều hộ dân ở thị xã Mường Lay (Điện Biên) vẫn chưa có đất sản xuất, phải tự tìm đủ kế sinh nhai. Còn tại dự án thủy điện Hủa Na (Nghệ An), người dân trong khu TĐC của dự án cũng đang phải chạy ăn từng bữa, do đã 6 tháng nay, chủ đầu tư chưa hỗ trợ gạo theo quy định. Tại dự án thủy điện A Vương, Sông Tranh 2 (Quảng Nam) hay thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên)... tình cảnh của người dân TĐC cũng không khá hơn.
Luật Đất đai đã quy định: Dự án TĐC phải được lập trước khi thu hồi đất, khu TĐC phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.
Quy định là thế và khi các chủ dự án thủy điện thuyết trình về tính khả thi, các phương án TĐC cho dân trong vùng dự án cũng vẽ ra viễn cảnh người dân sẽ có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng thực tế, giữa nói và làm của các chủ đầu tư là một khoảng trống... mênh mông.
Như báo Tin Tức đã đưa, một khảo sát cuối năm 2012 của tỉnh Quảng Nam về tình hình đời sống của người dân ở các khu TĐC thủy điện cho biết: Tỉ lệ hộ nghèo ở các khu TĐC thuộc thủy điện A Vương như Pachiepalanh lên tới 81%, tăng 16,1% so với năm 2006; tại khu TĐC Cutchurun, tỉ lệ lên đến 91%, tăng 36,7% so với năm 2006. Tại khu TĐC thủy điện Đăc Mi4, hộ nghèo chiếm 93,3%, cận nghèo là 6,7%...
Hệ lụy của các khu TĐC nửa vời đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Từ chỗ người dân đang có một môi trường sống ổn định, họ được dời đến khu TĐC mới với cuộc sống khó khăn, bấp bênh, nghèo càng nghèo hơn. Chưa hết, do thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm, vì mưu sinh, người dân ở các khu TĐC chẳng còn cách nào khác là buộc phải vào rừng chặt phá, khai thác gỗ trái phép hoặc đốt rừng đầu nguồn lấy đất sản xuất.