Hiện mong muốn của người dân lúc này là nhà
nước, ngành điện lực sớm đầu tư, xây dựng các công trình điện,
tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế tại địa phương.
Là một tỉnh nghèo, Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó
vẫn còn nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới
quốc gia, cuộc sống của ngừời dân còn gặp nhiều khó khăn khi
không có điện. Năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu
tư cấp điện nông thôn (giai đoạn 2013 - 2020) với mức đầu tư trên 711 tỷ
đồng nhằm cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia trên
địa bàn tỉnh.
Theo đó, đã có 15 thôn, bản thuộc 5 xã khu vực miền núi
được cấp điện lưới với số vốn đầu tư là tỷ đồng. Tuy nhiên,
vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cấp cho dự án đã hết nên vẫn
còn nhiều thôn, bản thuộc các huyện Lang Chánh, Quan Hóa, Quan
Sơn, Mường Lát, Như Thanh, Thường Xuân, Bá Thước chưa có điện
lưới quốc gia.
Tại huyện miền núi Thường Xuân, còn 530 hộ dân sống tại 6
xã vùng cao chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, đa số các
hộ gia đình phải kéo điện tạm nơi gần nhất về, một số hộ
không đủ điều kiện kéo điện tạm nên phải thắp đèn dầu, đèn
pin để sinh sống.
Tại xã Xuân Chinh, hiện có 2 thôn chưa có điện lưới quốc
gia, trong đó thôn Giang có 125 hộ, thôn Cụt Ạc có 40 hộ chưa có
điện, nguyên nhân do 2 thôn này cách trung tâm xã 7 km nên rất
khó kéo điện. Một số hộ có điều kiện đã kéo điện tạm từ
các xã lân cận và huyện Như Xuân.
Bà Ngân Thị Pừng, thôn Giang, xã Xuân Chinh cho biết, hoàn
cảnh khó khăn nên gia đình bà không đủ tiền kéo điện tạm từ
các thôn, bản khác về nhà, mà phải dùng đèn pin, đèn dầu
thắp sáng hàng ngày. Cứ mỗi buổi chiều bà phải nấu cơm, nấu
nước từ sớm vì nếu để trời tối sẽ rất khó làm việc, nhiều
hôm buổi tối đang thắp đèn dầu, đèn pin thì hết nhiên liệu,
mong muốn lớn nhất của bà là nhà nước sớm kéo điện về thôn
để nhân dân bớt khó khăn.
Ngoài thôn Giang và thôn Cục Ạc, vẫn còn có 6 thôn, bản
khác chưa có điện lưới quốc gia gồm bản Ruộng (xã Bát Mọt),
thôn Ó (xã Yên Nhân), thôn Tràng Cát (xã Luân Khê)… Hiện mong muốn
của người dân nơi đây là điện lực huyện Thường Xuân sớm kéo
điện lưới quốc gia về các thôn, bản khó khăn để người dân có
điện phục vụ cuộc sống.
Không chỉ huyện Thường Xuân, tại huyện miền núi Lanh Chánh,
vẫn còn hơn 800 hộ dân sống tại 11 thôn, bản thuộc các xã Yên
Thắng, Đồng Lương, Tân Phúc, Giao Thiện, Yên Khương, Lâm Phú, Yên
Thắng là chưa có điện lưới quốc gia. Nguyên nhân là do khoảng
cách từ các thôn này đến đường dây điện trung tâm xa từ 1 - 7 km
nên khó kéo điện lưới về.
Để có điện sáng phục vụ cuộc sống, nhiều hộ dân phải kéo
tạm điện từ nơi khác về dùng với chi phí khá cao. Bên cạnh
đó, những dây điện kéo trên những cột tre, luồng nên nguồn điện
hay chập chờn, những hôm trời mưa lũ dễ gây cháy nổ thiết bị đang
sử dụng điện.
Tại xã Tân Phúc có 378 hộ dân sống tại các thôn Tân Bình,
Tân Biên, Tân Cương, Tân Thủy 2 chưa có điện lưới quốc gia và phải
kéo điện nhờ các xã khác. Riêng thôn Tân Cương có 103 hộ dân
chưa có điện lưới quốc gia, nhiều hộ dân đang gặp khó khăn khi
phải mua lại điện với giá cao, vào mùa đông còn đỡ, mùa hè nóng
bức, cứ đến giờ cao điểm người dân phải tắt các thiết bị điện đề phòng
chập điện.
Chị Trần Thị Huyền, thôn Tân Cương, xã Tân Phúc cho biết,
trước đây không có điện gia đình chị thắp đèn dầu. Năm 2011, gia
chị kéo điện tạm từ xã khác về dùng với số tiền gần 4.000
đồng/số điện, mỗi tháng nhà chị dùng hết 200 nghìn tiền điện,
đây là số tiền rất lớn so với thu nhập tại khu vực miền núi. Mặc dù
tiền điện cao, nhưng điện hay mất, chập chờn, vào giờ cao điểm
điện yếu làm chị không thể nấu cơm bằng điện, ti vi không thể
xem, quạt không thể chạy. Mọi sinh hoạt của gia đình chị rất khó
khăn, thời tiết nắng nóng phải dùng quạt tay, buổi tối nhiều hôm phải
dùng bằng đèn pin hoặc đèn dầu thắp sáng.
Cũng theo chị Huyền, ngay gần cạnh nhà chị là những cột
điện không dây thuộc dự án kéo điện được triển khai tại thôn,
tuy nhiên khi xây xong các cột điện thì dừng lại không kéo dây
điện. Các hộ gia đình trong thôn vẫn phải kéo tạm dây điện trên
những cây cột bằng tre, luồng.
Ông Lê Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết, do
còn các thôn trong xã không có điện nên vào năm 2009, nhà nước đã
đầu tư các công trình điện lưới quốc gia phục vụ các xã. Riêng
công trình tại xã Tân Phúc, đơn vị thi công mới xây được 32 cột
điện rồi dừng lại vì thiếu vốn.
Như vậy đã gần 9 năm kể từ ngày bắt đầu xây dựng công trình
điện mà đến nay người dân vẫn không có điện lưới quốc gia dùng.
Theo báo cáo UBND huyện Lang Chánh tính, các công trình kéo
điện đang xây dở thuộc nguồn vốn kết dư của Nghị quyết 30a, khi xây
được cột thì dừng lại do thiếu vốn. Đặc biệt là công trình
đường dây 0,4 KV được xây dựng nhằm cấp điện cho 112 hộ dân sống
tại các thôn Khụ 1, Khụ 2, xã Giao Thiện với tổng chiều dài là
1.5 mét, tổng số vốn đầu tư là 985 triệu đồng.
Tuy nhiên, đơn vị thi công mới xây được móng cột và cột, hiện
vẫn còn thiếu đường dây 0,4KV, tổng số tiền mới thi công là 262
triệu đồng. Do đó, trong 2 năm qua, UBND huyện Lang Chánh đã phối
hợp với điện lực huyện để tận dụng các vật tư thu hồi nhằm
mắc tạm điện cho dân dùng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh,
trên địa bàn huyện còn nhiều thôn chưa có điện và cần được
đầu tư thêm 5 công trình điện cho các thôn và 1 công trình cho khu
vực thác Ma Hao. Huyện mong muốn tỉnh sớm bố trí vốn để
huyện sớm hoàn thiện các công trình điện, giúp các hộ dân
trong huyện được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trước thực trạng còn nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc
gia, UBND huyện Lang Chánh đã kiến nghị Sở Công Thương, Công ty điện
lực Thanh Hóa tiếp tục đầu tư các công trình điện.
Ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết,
hiện Sở đã kiến nghị tỉnh, tỉnh cũng đang đề nghị Bộ Công Thương
đưa 76 thôn, bản chưa có điện vào danh mục đầu tư của tiểu dự án cấp
điện nông thôn từ lưới điện quốc gia thuộc chương trình Năng Lượng - EU
tài trợ giai đoạn 2018 - 2020.
Thời gian tới, nếu được Bộ Công Thương phê duyệt, cấp vốn và
căn cứ theo nguồn vốn được giao, Sở công thương sẽ thực hiện, đầu tư cấp
điện cho các thôn, bản, cụm dân cư chưa có điện lưới quốc gia. Đặc
biệt, thông qua nguồn vốn dư thừa của thủy điện Trung Sơn, nhiều
thôn, bản sẽ được đầu tư, xây dựng trạm biến áp và kéo
điện.