Cần tăng mức hỗ trợ người nghèo ở vùng khó khăn

Từ thực tế triển khai, xin được chỉ ra những điều bất cập khi thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.


Đây là một chính sách hỗ trợ nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, từng bước ổn định đời sống cho người dân hộ nghèo thuộc vùng khó khăn, được triển khai từ ngày 1/1/2010.


Qua 3 năm thực hiện chính sách này trên địa bàn vùng khó khăn của tỉnh Lạng Sơn thấy rằng: Mức tiền hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm (đối với hộ nghèo ở xã khu vực 2) và hỗ trợ 100.000 đồng/người/năm (đối với hộ nghèo ở xã khu vực 3) so với giá cả nguyên liệu, vật tư, giống cây trồng, vật nuôi… thì không đáng kể gì đối với hộ nghèo khi đầu tư vào để sản xuất, chăn nuôi. Ví dụ hộ có 5 người thì được hỗ trợ khoảng 400.000 - 500.000 đồng/năm (tùy theo đối tượng ở xã khu vực 2 hay khu vực 3); chỉ đủ mua được 1 con lợn con khoảng 5 - 6 kg về nuôi.


Có 2 hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền mặt và hỗ trợ bằng hiện vật cho bà con theo định mức đã quy định tại Điều 3 của Quyết định này. Hình thức hỗ trợ bằng hiện vật thì không khả thi và rất khó thực hiện đối với vùng khó khăn, vì việc vận chuyển giống cây trồng, giống vật nuôi… khi đến tay đối tượng sẽ phát sinh thêm giá dịch vụ vận chuyển đắt đỏ vì giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, khi giống cây trồng, vật nuôi đến được đối tượng thì đã không còn đảm bảo chất lượng để nuôi trồng. Hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt được người dân đồng tình, nhưng hiệu quả mà mục tiêu của chính sách đặt ra lại không đánh giá được, bởi người dân khi đã nhận tiền rồi, họ đầu tư mua sắm gì là quyền của họ. Các cấp chính quyền, đoàn thể cũng chỉ tuyên truyền, định hướng cho họ về cách sử dụng đồng tiền hỗ trợ cho hữu ích.


Để tiếp tục thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg có hiệu quả, thiết thực cho người dân nghèo vùng khó khăn, Nhà nước cần điều chỉnh mức tiền hỗ trợ cao hơn quy định ở Điều 3 của Quyết định 102. Mức tiền xin đề xuất điều chỉnh là: 250.000 đồng/người/năm (đối với hộ nghèo ở xã khu vực 2) và 300.000 đồng/người/năm (đối với hộ nghèo ở xã khu vực 3).


Triệu Thắng Khì (Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN