Từ năm 2012 đến nay, chính quyền xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn loay hoay tìm cách để giải tỏa khu chợ tạm thôn Tây Nguyên. Còn người dân thì bức xúc, gửi đơn thư đến nhiều nơi đề nghị giải quyết.
Từ hợp đồng thuê đất…
Lần gần đây nhất chính quyền xã Mường So tiến hành giải tỏa khu chợ tạm là ngày 5/5. Chị Hoàng Thị Hạnh, một trong những người phản đối kịch liệt cho biết, người nhà của chị có hợp đồng với xã, với thôn thuê ô chợ tạm tại đây nhưng sau đó không bán hàng nữa mà cho chị mượn lại bán hàng quần áo. Trong quá trình bán hàng tại đây, chị Hạnh luôn chấp hành nghiêm việc đóng thuế ô chợ, không vi phạm hợp đồng kinh tế và quy chế khu chợ… Vậy mà từ cuối năm 2012 đến nay, xã và thôn Tây Nguyên đã nhiều lần yêu cầu chị tháo dỡ ô chợ để làm lại chợ tạm mà không có đền bù gì.
Quang cảnh buổi giải tỏa chợ tạm gần đây nhất do chính quyền xã Mường So tổ chức. |
Theo chị Hạnh, trong hợp đồng thuê đất đã ghi rõ là không thời hạn và chỉ thu hồi lại khi nào làm các công trình phúc lợi. Vậy nếu chính quyền lấy lại làm chợ tạm thì phải đền bù thỏa đáng, hoặc chỉ khi nào có quyết định của huyện lấy chợ để chuyển đổi đúng mục đích thì chị mới đồng ý.
Còn chị Đinh Thị Ngoan, một trong số những người trực tiếp ký hợp đồng với thôn, với xã cho biết, khi họp tại trụ sở xã, chị đã có ý kiến không nên tháo dỡ ô chợ để tránh lãng phí, nhưng không được chấp nhận. Sau đấy, chính quyền thôn, Ban quản lý chợ dựng lên 8 ô, lợp mái tôn, giao lại cho chị Ngoan 1 ô chợ nhưng chỉ rộng 2,5 m2 chứ không phải 3 m2 như đã thỏa thuận trong cuộc họp thôn. Thế nhưng, được khoảng hai tháng, thôn lại dỡ bỏ khung các ô chợ này. Hiện chị Ngoan và một số người lại dựng tạm mấy cái cọc tre, phủ bạt lên rồi ngồi bán hàng ở ô chợ ban đầu…
… đến lý giải của chính quyền
Ông Đoàn Ngọc Châu, nguyên Trưởng thôn Tây Nguyên, người trực tiếp cùng chính quyền xã Mường So ký hợp đồng thuê đất với dân cho biết, từ tháng 9/2010, xã đã chỉ đạo thôn làm chợ tạm. Khi bốc thăm thì chỉ những người bốc được chỗ thuận lợi mới ra ngồi bán hàng còn lại bỏ hết. Do đó, gần hai chục người đã nhận thêm những ô bỏ trống này để bán hàng. Việc này xã đều biết và xác nhận cùng thôn để các hộ dân này ký hợp đồng thuê thêm các ô đất. Theo ông Châu, việc chính quyền xã, thôn tháo dỡ, giải tỏa khu chợ tạm này để làm lại chợ tạm mà không đền bù gì cho dân là không thỏa đáng, vì thời hạn hợp đồng chưa hết, mục đích giải tỏa không rõ ràng.
Còn ông Lò Văn Phằn, Chủ tịch UBND xã Mường So, người trực tiếp xác nhận trong hợp đồng cho dân thuê đất, cho biết: Đến nay còn ba hộ chưa chấp hành tháo dỡ. Họ dựng ô chợ kiên cố, sinh hoạt tại chỗ. Họ không trực tiếp ký hợp đồng thuê đất mà chỉ là những hộ nhận chuyển nhượng, mua bán từ các hộ khác. Lý do họ chưa chấp hành tháo dỡ là vì họ “chưa hiểu ra”. Ông Chủ tịch UBND xã thừa nhận xã có sai trong công tác giám sát và “hợp đồng cũng có cái sai”.
Ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, khu đất người dân thôn Tây Nguyên đang làm chợ tạm cần giải tỏa hiện nay, trước đây là sân vận động Tây Nguyên. Năm 2010, trong một lần lãnh đạo huyện Phong Thổ đi thị sát tại khu vực này, thấy người dân họp chợ tràn cả ra lòng đường nên đã có ý kiến với xã Mường So cần “dẹp”. Chính quyền xã Mường So đã mượn huyện Phong Thổ khu đất hơn 830 m2 này để làm chợ họp tạm, nơi đỗ xe… Đến ngày 24/8/2010, huyện Phong Thổ nhất trí việc này, đồng thời nói rõ khi nào UBND huyện có nhu cầu sử dụng đất, yêu cầu xã Mường So bàn giao lại đầy đủ mặt bằng và không được hưởng chế độ hỗ trợ, đền bù.
Trên cơ sở đó, xã Mường So giao cho thôn Tây Nguyên triển khai làm chợ tạm. Trong vòng hai năm đầu không có vấn đề gì xảy ra, nhưng sau hai năm, Ban quản lý khu chợ này có sự thay đổi nhân sự thì bắt đầu có đơn kiện ra huyện, với nội dung người dân bán hàng tại chợ tạm có sự mua đi bán lại; vệ sinh, ngủ qua đêm tại ô chợ; xây dựng ô chợ kiên cố; thôn, ban quản lý chợ không dân chủ…
Huyện Phong Thổ đã tiến hành xác minh đơn thư và mới biết chính quyền xã làm không đúng chỉ đạo. Thôn Tây Nguyên và ban quản lý chợ lợi dụng chức quyền, tổ chức bốc thăm ô chợ tạm chưa dân chủ… Do đó, huyện Phong Thổ yêu cầu xã Mường So giải tỏa các ô chợ này. Còn hợp đồng thuê đất chợ tạm giữa gần 20 hộ dân với chính quyền thôn Tây Nguyên và xã Mường So, ông Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho rằng, không có qui định nào về việc thuê đất không thời hạn, hơn nữa xã không có thẩm quyền cho thuê đất.
Hiện huyện Phong Thổ tiếp tục yêu cầu xã Mường So đến hết tháng 5 phải giải quyết dứt điểm vụ việc.
Bài và ảnh: Nguyễn Công Hải