Cảnh báo với đồ ăn siêu bẩn

Trong thời gian gần đây, lực lượng công an đã bắt và xử lý những vụ vận chuyển vào nội địa thực phẩm đã ôi thối và đang phân hủy, như nội tạng động vật, chân giò lợn, chân trâu bò đã hỏng. Những mặt hàng này được ngâm và tẩy rửa bằng những loại hóa chất có khả năng gây ung thư ở người. Việc cảnh giác với những đồ ăn này sẽ giúp cho người dân tránh khỏi những bệnh tật không mong muốn.


Có lần tôi đi dự đám cưới và dự liên hoan ở nhà hàng một huyện vùng núi. Cứ ngỡ là vùng núi, vùng nông thôn thì thực khách sẽ được ăn và thưởng thức những đồ ăn ngon, chất lượng. Nhưng để ý kỹ, tôi nghi ngờ về nguồn gốc của đồ ăn này.

Cả nhà hàng có mấy chục mâm cỗ mời khách ngồi ăn, ngoài những loại thức ăn dễ kiếm, có một, hai đĩa rất “độc” ở vùng nông thôn này. Đó là tim cật gà và nội tạng gà. Món ăn khá hấp dẫn, nào là tim cật gà được tần với lá ngải và thuốc bắc bốc hơi thơm ngào ngạt, nào là buồng trứng non của gà xào với nấm cũng hấp dẫn không kém. Khách thấy ăn ngon mà không hề suy xét hay hoài nghi chút nào.


Tôi dừng lại đôi chút để làm một phép tính nhẩm. Trong không gian đó, có tới hơn 40 mâm cỗ thì có 40 bát tim gà hầm và 40 đĩa buồng trứng gà xào. Thử hỏi, ở một vùng nông thôn như nơi tôi đang ngồi, làm sao có đủ số tim gà nhiều như thế cung cấp cho nhà hàng, làm sao có nhiều buồng trứng và nội tạng gà non để thết đãi khách như vậy.


Vậy thì số thực phẩm ấy lấy ở đâu ra và nguồn gốc ra sao. Câu trả lời thuộc về các lực lượng chức năng địa phương, nhất là ở các cửa khẩu.


Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thực phẩm tưởng như đắt mà hóa rẻ. Gà “ngon” nhìn bề ngoài rất vàng, giống gà ta song thực chất lại là loại gà nhập lậu từ Trung Quốc, bán với giá chỉ 30.000 đồng/kg. Rồi tim cật lợn trong các nhà hàng cũng khá rẻ và được bày bán công khai ở các chợ vùng nông thôn và thành phố.


Hơn nữa, ở những khu đô thị tập trung đông người thì loại hàng được giới trẻ khá ưa thích như chân gà nướng, lòng phèo nướng, dạ dày nướng… vừa rẻ, vừa ngon đã và đang được các bếp “siêu nhỏ” bán rất chạy vào mỗi buổi tối. Được biết, giá nhập vào của những loại hàng này khá rẻ và cho lãi cao.


Không chỉ xuất hiện những đồ ăn “siêu bẩn” mà hiện nay, đồ uống “siêu bẩn” cũng xuất hiện nhiều trong các quán giải khát. Có vài lần, tôi được tận mắt chứng kiến cách pha chế sinh tố của một chủ quán trong quán giải khát. Khi khách hàng yêu cầu đồ uống gì, chủ quán sẵn sàng gọt quả, cho vào máy xay, đổ ra được lưng lưng cốc. Sau đó, chủ quán cúi xuống cầm một can nước tạo màu cho sinh tố rót ào vào cốc sinh tố đã xay.


Nhìn can nước tạo màu, tôi không hề thấy nhãn mác hay bất kỳ ký hiệu gì. Chỉ biết dưới chân chủ quán có vô số chiếc can như thế. Đủ các loại màu, ứng với từng loại sinh tố khác nhau. Khách hàng vẫn không hề nghi ngờ gì khi sử dụng sinh tố và ẩn họa sau chất tạo màu ấy thật khó lường.


Từ lâu, người ta vẫn coi vùng nông thôn là nơi có khí hậu trong lành, ăn uống an toàn, sạch sẽ. Nhưng giờ đây, sự khẳng định đó lại hoàn toàn trái ngược. Đồ ăn thức uống siêu bẩn đã và đang len lỏi trong ngõ ngách các làng quê, các thị trấn, phố núi nửa làng nửa phố rồi cả trong những nhà hàng sang trọng. Những đồ ăn không rõ nguồn gốc, giá rẻ được đa số người dân ham rẻ mua về tiêu dùng. Hơn nữa, việc hám lợi và những ngón nghề của các chủ nhà hàng đã và đang tạo hành lang cho đồ ăn siêu bẩn lan truyền trong nhân dân.


Thiết nghĩ, ở đâu cũng vậy, sự cảnh giác và suy xét một cách kỹ lưỡng nguồn gốc và chất lượng thực phẩm khi tiêu dùng của mỗi người dân sẽ giúp chúng ta loại bỏ được hàng kém chất lượng, hàng gây nhiều căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của con người.


Nguyễn Thế Lượng

Ăn cơm ở công ty, hàng chục công nhân nhập viện

Sau khu ăn cơm trưa tại công ty, hàng chục công nhân của công ty Le Long Việt Nam đã phải nhập viện với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt, nhứt đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN