Ba người chết. Gần 50 người bị thương. Biểu tình chính trị ở Thái Lan đã không còn diễn ra trong hòa bình. Ngày 1/12, cảnh sát phải dùng đến hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình đang tìm cách xông vào chiếm trụ sở các cơ quan chính phủ nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Hơi cay và vòi rồng
Ba người thiệt mạng đầu tiên trong làn sóng biểu tình hiện nay là một sinh viên và hai người “áo đỏ” ủng hộ chính phủ. Họ bị giết bằng súng và dao nhưng nguyên nhân cụ thể dẫn đến cái chết vẫn chưa rõ. Chỉ biết bạo lực bùng phát sau khi một người thuộc phe “áo vàng” chống chính phủ tấn công người phe “áo đỏ” ở quận Ramkhamhaeng.
Người biểu tình ném lại đạn hơi cay về phía cảnh sát. Ảnh: Hà Linh |
Lãnh đạo phe “áo đỏ” đã phải chấm dứt tuần hành do lo ngại có thêm người thiệt mạng và gây khó cho chính phủ. Hàng ngàn người “áo đỏ” đã bắt đầu ra xe buýt về nhà.
Trái lại, dù lượng người tham gia giảm đáng kể nhưng phe chống chính phủ vẫn tỏ ra ngoan cố. Họ thúc giục người biểu tình hợp lực cho “trận chiến cuối cùng” trước ngày sinh của Quốc vương Bhumibol Adulyadej ngày 5/12 - sự kiện thường diễn ra trong không khí tôn kính và hòa bình. Phe “áo vàng” kêu gọi người biểu tình chiếm 10 cơ quan chính phủ, sáu đài truyền hình, trụ sở cảnh sát và tòa nhà chính phủ nơi có văn phòng của Thủ tướng Yingluck.
Trước lời kêu gọi nói trên, bất chấp lực lượng an ninh dày đặc và có cả binh sĩ vũ trang, người biểu tình chống chính phủ vẫn xông qua rào chắn, cắt dây thép gai, lăm le ào vào tòa nhà chính phủ và chỉ bị chặn lại khi dính hơi cay, vòi rồng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, các khu vực có trụ sở cơ quan chính quyền ở thủ đô Bangkok đã được đặt trong tình trạng an ninh cao nhất, với hơn 21.000 cảnh sát được triển khai cùng gần 3.000 binh sĩ từ ba quân chủng của Thái Lan. Tại 10 cơ quan chính phủ được cho là mục tiêu tấn công của người biểu tình, cảnh sát đã được tăng cường và luôn trong tình trạng sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến. 14 tuyến đường xung quanh khu vực tòa nhà chính phủ, quốc hội và một số cơ quan quan trọng đã bị chốt chặn, cấm xe qua lại.
Năm trung tâm mua sắm lớn ở Bangkok đã phải đóng cửa để đề phòng bị phóng hỏa như cuộc biểu tình năm 2010. Trên các đường phố thủ đô, dấu vết một đêm hỗn chiến căng thẳng vẫn còn hiện rõ với kính vỡ, gạch đá vương vãi khắp nơi. Theo Tân Hoa xã, ngày 1/12, Chính phủ Thái Lan đã áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài 7 tiếng từ 22 giờ cùng ngày đến 5 giờ sáng 2/12 trên toàn thủ đô Bangkok và các khu vực phụ cận.
Quân đội muốn làm trung gian hòa giải
Trước tình hình biểu tình bạo lực, ngày 1/12, Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha đề xuất làm trung gian hòa giải giữa chính phủ và phe biểu tình. Tuy nhiên, Tướng Prayuth nhấn mạnh rằng trước hết cả hai bên phải chấm dứt đụng độ. Ông Prayuth cũng gọi điện cho Cảnh sát trưởng quốc gia đề nghị chỉ thị cho nhân viên không xịt hơi cay vào người biểu tình.
Trước đó, quân đội tuyên bố đứng trung lập trong cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước, đề nghị người biểu tình chống chính phủ không tìm cách buộc quân đội phải đứng về phía phe nào.
Thủ tướng Yingluck đã liên tục kêu gọi thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đối thoại tìm cách giải quyết tình hình. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị ông Suthep từ chối. Không chỉ thế, ông này còn thề “chiến đấu tới chết” cho đến khi lật đổ được chính phủ.
Hiện Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã được hộ tống an toàn đến một địa điểm bí mật trong bối cảnh những người biểu tình đang gia tăng sức ép nhằm lật đổ chính phủ của bà. Tuy nhiên, bà Yingluck khẳng định không có ý định chạy trốn.
Thùy Dương