Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thời gian qua những hàng hóa trong nước sản xuất được, thậm chí dư thừa đang xuất khẩu nhưng cũng vẫn chịu sự cạnh tranh lớn. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Tại phiên họp Chính phủ với các bộ ngành, địa phương ngày 29/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định giai đoạn 2016 – 2020 là giai đoạn cần thúc đẩy sản xuất hàng hóa ra các thị trường, hiện năng lực sản xuất trong nước còn lớn và dư thừa tiềm năng.
Tuy nhiên Việt Nam cũng phải tính tới hàng hóa các nước, đặc biệt là các nước ASEAN tham gia vào thị trường nên phải cạnh tranh ngay tại sân nhà. Do vậy, cùng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước thì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng cần nâng cao công tác điều hành, đảm bảo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
“Nếu xử lý chậm như hiện nay hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường thì sẽ thiệt hại lớn. Thời gian tới giải quyết các vụ việc liên quan tới áp dụng các chương trình tự vệ thương mại, chống bán phá giá sẽ ngày càng nhiều, nếu không tăng cường bộ máy quản lý sẽ không bảo vệ được thị trường”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thời gian qua những hàng hóa trong nước sản xuất được, thậm chí dư thừa đang xuất khẩu nhưng cũng vẫn chịu sự cạnh tranh lớn.
Ví dụ như phôi thép, thép xây dựng, tôn mạ, hay như phân bón cũng đáp ứng 80 - 90% thị trường trong nước nhưng vẫn phải nhập khẩu 2,5 triệu tấn phân đạm. Cần phải có phương cách bảo vệ thị trường mạnh mẽ hơn nữa thì mới đưa ra được giải pháp xử lý kịp thời.
Cùng quan điểm này, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh bày tỏ lo ngại về nhận thức của doanh nghiệp, người dân về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vẫn còn hạn chế. Tâm lý chung của các doanh nghiệp vẫn hướng tới những thị trường ở xa như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ mà chưa chú trọng tới thị trường các nước trong khu vực.
"Tình trạng hiện tại vẫn là doanh nghiệp chờ thông tin. Đó là sự khác biệt trong các nước ASEAN. Các nước khác, doanh nghiệp rất chủ động tìm hiểu thông tin. Đây là vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới bởi việc thành lâp AEC mang lại rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp các nước", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Trong kiến nghị gửi đến Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh thông tin về AEC, TPP và các FTA một cách đồng bộ, rộng rãi, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá trợ cấp cho các ngành còn non trẻ, chịu áp lực hội nhập.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, tham gia vào AEC hay các Hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý khi mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, cạnh tranh ngày càng lớn, các mặt hàng đang có lợi thế nhưng nếu chỉ phát hiện một vài lô hàng không đảm bảo thì uy tín sẽ giảm sút không tận dụng được cơ hội này. Do đó cần tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp cơ sở sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, trọng tâm sắp tới là sẽ tăng cường thông tin hội nhập. Đến tháng 1/2016 hi vọng sẽ có thể công bố bản dịch đầy đủ về Hiệp định TPP.