Thời gian gần đây, trong cả nước đã liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy đặc biệt nghiêm trọng do tàu biển, ca nô cao tốc, tàu đánh bắt thủy sản gây ra. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa và công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng.
Nhiều lỗ hổng quản lý
Theo Cục Cảnh sát giao thông đường thủy (Bộ Công an), những vi phạm như: tránh, vượt sai quy định; không có chứng chỉ chuyên môn; tàu thuyền không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; chở quá tải; không đăng ký, đăng kiểm, quá hạn sử dụng... đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ TNGT đường thủy hiện nay. Đáng lưu ý, do công tác quản lý đường thủy của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, nên tình trạng “bến cóc” phát sinh tràn lan, tạo điều kiện cho nhiều phương tiện hoạt động ngoài vòng kiểm soát. Thực tế này đang diễn ra rất đáng báo động.
Từ sau vụ chìm tàu tại vùng biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) làm 9 người chết ngày 2/8/2013, đã có thêm 2 vụ chìm tàu, lật xuồng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại Vũng Tàu ngày 16/9 và tại Bình Phước ngày 23/10. Qua điều tra của các lực lượng chức năng cho thấy, do công tác quản lý, cấp phép các phương tiện vận chuyển đường thủy không chặt chẽ nên đã tạo điều kiện cho các phương tiện không đủ tiêu chuẩn hoạt động, gây tai nạn nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất là nhiều chủ phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn vẫn hành nghề về lái tàu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Minh Toàn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 450 vụ TNGT đường thủy, làm chết 220 người, thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng. Trong số này, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn có tới hơn 60% số vụ do người lái vi phạm quy định về tránh, vượt; còn lại là do các tàu thuyền đâm, va chướng ngại vật, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chở quá tải...
Một thực tế đáng lo ngại theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cả nước hiện có hơn 80.500 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động vận tải, nhưng hiện mới quản lý được hơn 19.000 km, chiếm tỉ lệ 45%. Các địa phương hiện mới chỉ quản lý được những phương tiện, bến bãi hoạt động đã được cấp phép. Còn lại, nhiều phương tiện vẫn hoạt động ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan chức năng. Cả nước hiện có khoảng 806.000 tàu, thuyền đang hoạt động (bình quân mỗi năm tăng từ 6 - 8%), nhưng hiện mới chỉ có trên 22.000 người có bằng lái và khoảng 15.000 người có chứng chỉ chuyên môn...
Kịp thời chấn chỉnh bằng luật
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau 8 năm thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa từ năm 2005 - 2013, số lượng tàu thuyền đăng ký chỉ đạt 34% và số tàu thuyền phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là quá thấp so với thực tế. Đặc biệt, chỉ có khoảng 10% trong số 300.000 tàu thuyền dân sinh thông dụng, có sức chở dưới 12 người, trọng tải dưới 15 tấn tại các địa phương được đăng ký. Ngay cả số tàu thuyền đã đăng ký cũng không chấp hành đúng quy định về việc trang bị áo phao, phao cứu sinh, nên khi xảy ra tai nạn, tỷ lệ thương vong cao. Còn các loại tàu thuyền trọng tải lớn từ 200 - 1.000 tấn cũng thường thiếu các trang thiết bị hỗ trợ hành trình về thông tin liên lạc, hải bàn, rađa, thiết bị định vị đạt chuẩn...
Dự kiến, dự luật sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa sẽ bổ sung 36 điều, trong đó thêm một chương về cứu nạn, cứu hộ đường thủy, nhằm khắc phục tình trạng không ai chịu trách nhiệm, nâng cao khả năng phòng ngừa và tăng hiệu quả điều tra, nhất là đối với các vụ tai nạn xảy ra tại địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, có nhiều đơn vị cùng quản lý.
Được biết, đến hết năm 2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tập trung tổ chức hệ thống đăng kiểm phương tiện thủy theo hướng phân cấp phù hợp với đặc điểm của địa phương; đánh giá lại đội ngũ nhân lực, đào tạo và chuẩn hóa nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác đăng kiểm; ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống chất lượng ISO vào đánh giá, kiểm tra phương tiện thủy... nhằm quản lý về đăng kiểm đối với toàn bộ phương tiện thủy hiện nay.
Nguyễn Tiến