Cây ca cao giúp đồng bào dân tộc ở Đắk Lắk xóa nghèo

Sau gần 5 năm thực hiện, Dự án Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Tổ chức phi chính phủ ACDI/VOCA - Hoa Kỳ - tài trợ, đã đem đến cơ hội làm giàu cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.


Trước đây, đồng bào DTTS ở xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) chỉ quen trồng một số loại cây ngắn ngày như lúa, ngô, đậu… trên địa bàn xã có một số diện tích điều nhưng đã bị thoái hóa, cho năng suất không đáng kể. Năm nào được mùa thì có thể tự túc lương thực, năm nào mất mùa thì trông chờ vào gạo cứu trợ của Nhà nước.


 

Năm nay, H’Dưn sản xuất, thu mua và lên men được 5 tạ hạt ca cao. Ảnh: CTV

 

Cuộc sống của đồng bào bắt đầu được chuyển dịch theo hướng tích cực từ năm 2009, khi Dự án Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ được triển khai. Dẫn chúng tôi tham quan vườn ca cao trồng xen, dưới tán điều đang cho quả lúc lỉu, già làng Y Viết Buôn Krông ở buôn Phôk, xã Yang Tao hỉ hả khoe: “Năm 2011 là năm đầu tiên hơn 250 cây ca cao do dự án cấp, đã cho trái, gia đình đã thu về gần 10 triệu đồng rồi. Nhìn ca cao ra quả năm nay chắc chắn sẽ thu về gấp 3 gấp 4 lần năm ngoái. Cạnh vườn ca cao của già Y Viết là vườn ca cao chị H’Dưn Kpăn, với hơn 300 cây trồng xen dưới tán điều. Năm vừa qua cũng đem lại thu nhập hơn 10 triệu đồng cho gia đình chị H’Dưn Kpăn.


Hành trình để cây ca cao bén rễ trên vùng đất Yang Tao cằn cỗi, khắc nghiệt không hề đơn giản. Người dân nơi đây vốn quen với lối canh tác và các loại cây trồng truyền thống như lúa, đậu, sắn, khoai… nên khi nghe cán bộ khuyến nông về phổ biến kỹ thuật chăm sóc ca cao, ban đầu có vẻ phức tạp, lại mất hơn 3 năm loại cây trồng này mới cho trái, nhiều hộ đã bỏ về. Cán bộ khuyến nông đã vận động già làng, trưởng buôn làm gương đi trước, rồi tuyên truyền đồng bào làm theo. Nghe cán bộ nói “lọt cái tai”, lại được tận tình hướng dẫn tại chỗ, nên nhiều hộ nhận ca cao giống về trồng xen dưới tán điều. Cũng là một công đôi việc, vừa có thêm cây trồng mới không mất tiền, vừa được cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại đỡ công làm cỏ cho điều. Trồng nhưng cũng chẳng ai tin loại cây có giá bán đắt hơn cả cà phê ấy có thể sống được trên vùng đất nổi tiếng cằn cỗi của Đắk Lắk. Nhưng như có phép màu, loại cây tưởng chừng rất khó tính ấy lại phát triển tốt trên đất cát sỏi cằn. Sau 3 năm, những vườn ca cao đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch và mang về những khoản tiền “trong mơ” đối với người dân nơi đây.


Thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây ca cao, các hộ trong buôn đã mạnh dạn tự bỏ tiền đầu tư mua cây giống để trồng xen ca cao dưới tán điều cũng như chuyển đổi nhiều diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng ca cao. Từ vài ba sào ca cao trồng xen do dự án cấp giống, nhiều gia đình ở Yang Tao hiện đang sở hữu vườn ca cao lên đến vài ba ha. Đến nay, các vườn ca cao đều sinh trưởng, phát triển rất tốt, nhiều vườn ca cao do dân tự đầu tư cũng đã cho thu bói.


Đến nay, Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ đã thành lập được 61 câu lạc bộ với gần 3.000 hộ (hầu hết là đồng bào DTTS) ở 18 xã đặc biệt khó khăn của 3 huyện: Lắk, Ea H’leo và Ea Kar tham gia. Dự án đã cấp hơn 62.500 cây ca cao giống cho đồng bào DTTS ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa trồng (tương đương 580 ha ca cao thuần, chiếm hơn 1/3 diện tích ca cao của Đắk Lắk). Tổng vốn tài trợ của dự án là hơn 1 triệu USD. Theo thống kê, những diện tích ca cao 5 tuổi, được trồng từ sự tài trợ của dự án, đang cho năng suất ổn định từ 2,5 - 3 tấn/ha. Với giá bán luôn ổn định trên 50.000 đồng/kg, trong khi kinh phí đầu tư chỉ bằng từ 30 - 40% so với cà phê, ca cao đang là cây trồng giúp đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn làm giàu trên những vùng đất cằn cỗi.


Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN