Cây đa có tự bao giờ, chúng tôi không được biết, người dân quê tôi cũng không ai biết. Hỏi ai cũng đều trả lời là khi sinh ra và lớn lên đã thấy cây đa xanh tốt ngay cổng làng. Bà nội tôi bảo, ngày xưa đàn chim đi kiếm mồi, cắp theo hạt đa chín mọng ở vùng nào, bay qua làng mình, vô tình đánh rơi hạt xuống đất, hạt giống yêu đất quê nên bén rễ nảy mầm mọc thành cây đa cổ thụ cho đến ngày nay.
Mọc ngay đầu làng, gần miếu thiêng, cây đa quê tôi có tán rộng, thân to, phải năm sáu người ôm mới xuể, lá xanh tốt tỏa bóng một vùng. Gốc đa là nơi tụ họp và sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân. Mỗi khi đi làm đồng về, trưa hè oi ả, người dân không quên ngả cuốc ngồi giải lao, hóng mát dưới gốc đa, nói vài câu chuyện ở làng quê mình. Cũng ngay dưới gốc đa quê tôi, vào mỗi ngày chẵn, chợ phiên lại diễn ra tấp nập, đông vui, đậm chất quê.
Tuổi thơ chúng tôi gắn bó sâu đậm với gốc đa làng. Chúng tôi thường tụ tập dưới gốc đa vào mỗi trưa hè, mỗi đêm trăng để chơi đánh khăng, đánh đáo, chơi những trò chơi tập thể khá vui nhộn. Mỗi buổi chiều về, dưới tán đa xòe rộng râm mát, lũ trẻ chúng tôi sau khi cho trâu tắm mát đã tụ tập để thả diều. Đôi khi còn mạo hiểm trèo vào lòng cây đa, đu dần lên cao để tìm tổ chim, tổ sáo và hái quả đa chín ăn vừa thơm vừa ngọt.
Dưới gốc đa quê, miếu thiêng làng tôi trầm mặc có tự thuở nào. Bà tôi thường bảo, ngôi miếu thiêng lắm, đây là nơi thờ thần, những người có công giúp cho dân làng mình được no ấm. Bà tôi cũng bảo “thần cây đa, ma cây gạo”, cây đa cổ thụ làng mình là nơi các vị thần hay ngự nên các cháu không được phạm đến thân cành của cây.
Ngày rằm tháng bảy, Tết vu lan, năm nào cũng vậy, bà tôi và những người dân quê mang đồ lễ ra gốc đa cúng. Bà dùng lá đa, cuốn thành hình cái phễu, dùng que nhỏ cài vào rồi cắm xung quanh gốc đa. Sau đó, bà múc những muôi cháo nhỏ vào những chiếc phễu lá đa và cắm lên đó một que hương. Bà bảo làm vậy là để cho những chúng sinh, những oan hồn không nơi cúng giỗ được ăn cháo.
Cây đa làng tôi còn là nơi diễn ra ngày hội làng vào mỗi dịp tháng Giêng. Khi ấy, cả làng nghỉ làm đồng, tập trung dưới gốc đa để làm lễ rước thánh, rước thành hoàng làng về đền. Nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, cờ người được tổ chức. Nhìn những lá cờ hội sặc sỡ sắc màu, khói hương nghi ngút, tiếng trống vang lên cùng tán đa cổ thụ xanh tốt, chúng tôi hiểu đó là hồn làng, đó là quê hương mình.
Gốc đa quê tôi còn là nơi hò hẹn và ghi dấu biết bao mối tình. Dưới đêm trăng, bên gốc đa, những đôi trai gái gặp gỡ, thề hẹn và trao nhau mối tình đầu. Họ lấy nơi đây, bên cây đa làng làm nơi bắt đầu cho một tình yêu đẹp. Cây đa như một chứng nhân cho biết bao mối tình của trai gái làng tôi.
Chúng tôi khôn lớn từng ngày, cây đa làng tôi hôm nay vẫn còn đó, xanh tốt, thân xù xì. Mỗi khi đi xa về, đến đầu làng, nhìn thấy cây đa, tôi và những người dân quê như quên hết mệt nhọc, lo toan và cả những bụi bặm thường ngày. Và mỗi khi nhớ về quê hương, cây đa làng lại chập chờn ẩn hiện trong kí ức, gọi tôi về trong hành trang tuổi thơ.
Nguyễn Thế Lượng