Nhờ việc chuyển đổi từ trồng sắn, ngô, lạc sang trồng mía, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn xã Yên Sơn, Yên Châu, tỉnh Sơn La, đã thay đổi nhanh chóng. Cây mía đang giúp nhiều người dân nơi đây thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Ông Đỗ Văn Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, cho biết: Xã Yên Sơn có diện tích mía nhiều nhất huyện Yên Châu, với hơn 400 ha. Có khoảng 50% số hộ tham gia trồng mía, hộ trồng nhiều nhất từ 4 - 5 ha, hộ ít nhất cũng có vài nghìn m2.
Năm 2006, xã Yên Sơn được Công ty CP mía đường Sơn La chọn làm vùng nguyên liệu. Thời điểm đó, cả xã chỉ có 3 bản: Chiềng Hưng, Bó Phương, Chiềng Yên trồng mía, với diện tích khoảng 100 ha. Sau một vài vụ, nhận thấy cây mía đem lại thu nhập cao hơn hẳn những cây trồng khác, nên bà con đã chuyển đổi từ cây ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu. Đến nay, Yên Sơn có 530 hộ, trồng 406 ha mía hầu hết ở các bản, trở thành vùng trồng mía nhiều nhất huyện Yên Sơn. Mỗi năm xã cung cấp bình quân 26.000 tấn mía nguyên liệu.
Cây mía đã góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của xã, giúp cho nhiều hộ đồng bào trong xã có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ trồng mía, nhiều hộ đã xây được nhà mới khang trang, mua sắm đồ dùng, phương tiện sinh hoạt hiện đại; nhiều hộ cũng đã thoát nghèo nhờ cây mía. Hiện, toàn xã có hơn 50% số hộ khá, giàu, hộ nghèo chỉ còn 27%. Nhiều gia đình ở Yên Sơn đã giàu lên nhờ trồng mía, như gia đình ông Lò Văn Quý, ở bản Bó Phương, trồng hơn 2 ha mía nguyên liệu, mỗi năm thu hoạch gần 200 tấn mía, thu về 180 triệu đồng; ông Lò Văn Èo, bản Cò Chịa, có 2,5 ha, thu hoạch trên 200 triệu đồng/năm; ông Hoàng Văn Quân ở bản Chờ Lồng, trồng hơn 2 ha mía nguyên liệu, mỗi năm thu gần 200 tấn mía, thu 180 triệu đồng...
Vụ mía năm 2014, xã Yên Sơn có kế hoạch trồng mới 35 ha. Ngay từ đầu vụ, xã đã phối hợp với phòng nông nghiệp huyện, trung tâm khuyến nông mở các lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền cho các hộ nông dân trồng mía. Các giống mía đều do bà con tự cung cấp, cho năng suất cao, dễ làm, đầu tư ít và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.