Năm 2015, bà con xã vùng sâu Cư Pui của huyện Krông Bông (Đắk Lắk) trồng khoảng gần 2.000 ha sắn. Sắn là loại cây trồng chịu hạn tốt, giúp các hộ nghèo vượt qua những ngày đói giáp hạt năm nay, khi một số loại cây chủ lực như bắp lai, đậu, lúa nước bị hạn hán, mất trắng trên 70% diện tích trồng.
Bà con dân tộc thiểu số ở xã Cư Pui thu hoạch sắn. |
Anh Ama Tuyên ở buôn Khóa có 2,5 sào ruộng cấy lúa, nhưng nắng hạn khô cháy khi lúa chưa kịp trổ. May mắn là gia đình anh trồng được 8 sào sắn, thu được gần 20 tấn củ tươi. Anh Ama Tuyên cho biết: “Mọi năm không khô hạn, lúa làm ra cũng đủ ăn cho 6 người trong gia đình. Năm nay, nắng hạn kéo dài, nếu không có sắn chắc phải đi vay nợ để mua gạo ăn. Làm sắn chi phí ít, bà con chủ yếu là đổi công, nên số tiền bán sắn đủ mua gạo cho cả gia đình đến vụ mùa thu hoạch ngô”.
Năm nay nắng nhiều nên đa số bà con thu sắn về tranh thủ cạo và thái lát phơi khô. 1 tấn củ tươi thái lát phơi khô được 5 - 5,5 tạ sắn khô. Giá bán sắn khô từ 3.200 đến 3.250 đồng/kg, trong khi 1 kg sắn củ tươi chỉ có giá 1.200 đồng. Anh Mã Văn Xuân ở thôn Ea Lang cho biết: “Gia đình có 2 ha đất trồng sắn, nếu đào hết cũng được 40 tấn củ tươi. Gia đình bán hơn 10 tấn tươi với giá 12 triệu đồng để trả nợ tiền mua phân. Số còn lại tranh thủ cạo, phơi khô để bán được giá cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: Vụ đông xuân này, xã Cư Pui có 170/250 ha lúa đã bị khô hạn, mất trắng. 80 ha còn lại có khả năng bơm nước để cứu, nhưng chi phí khá cao; các loại đậu, bắp không trồng được do không chủ động được nguồn nước. Nguy cơ thiếu đói của bà con hộ nghèo trong xã ở thời điểm này là rất cao. May mắn là địa phương có trên 70% hộ dân trồng sắn với diện tích hơn 1.700 ha, nên giải quyết được vụ đói giáp hạt cho nhiều hộ gia đình.
Bài, ảnh: Tùng Lâm