Cảnh báo diện tích cây sắn không theo quy hoạch

Người dân các vùng miền núi tỉnh Phú Yên đang ồ ạt trồng sắn, bất chấp ảnh hưởng bất lợi của loại cây trồng này do được giá.

Sau cây mía thì sắn là cây trồng chủ lực tại các vùng miền núi của tỉnh Phú Yên. Diện tích sắn hiện nay đã gần 14.500 ha, tăng hơn 2500 ha so năm ngoái và sẽ còn tăng nữa, trong khi Chương trình hành động của tỉnh Phú Yên đưa ra quy hoạch diện tích cây sắn đến năm 2015 là 9.000 ha.

Ảnh: Internet

Niên vụ sắn 2010 - 2011 tỉnh Phú Yên đạt sản lượng 152.720 tấn, tăng 2,63 lần so với n iên vụ trước . Nguyên nhân chính là do cây sắn được giá. Tính ra, cứ mỗi ha sắn năng suất chỉ 15 tấn củ tươi đã đem lại lợi nhuận cho nông dân khoảng 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Chính vì lẽ đó, diện tích sắn tăng không theo quy hoạch; người dân phá rừng, không chỉ rừng tự nhiên mà cả rừng sản xuất trồng keo lá tràm cũng bị chặt phá để trồng sắn.

Theo số liệu của Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên, tổng diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm để trồng sắn, trồng mía lên đến 8.700 ha, trong đó diện tích đất rừng bị mất hơn 5.100 ha. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất tại huyện Sơn Hòa với diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là 2.515 ha và huyện Sông Hinh là 2.345 ha. Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra hơn 200 vụ phá rừng làm thiệt hại gần 90 ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên để trồng sắn.


Tuy vậy, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không đưa ra những khuyến cáo cho nông dân vì đất trồng sắn chỉ sau 3 đến 4 năm sẽ cằn cỗi, khó trồng được các loại cây khác. Ngoài ra, việc ồ ạt trồng sắn mà không kiểm soát được đầu ra sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ cho nông dân khi sắn rớt giá. Điều này đã từng xảy ra ở Phú Yên cách đây vài năm. Khi đó, người trồng sắn tìm người thu hoạch và cùng nhau ăn chia theo tỉ lệ 50/50 mà cũng không có người thu hoạch…/.

Thế Lập
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN