Cây năn hoang dại đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và chính thức nằm trong cơ cấu sản xuất của vùng đất nhiễm phèn, nơi mệnh danh là “Đồng chó ngáp” - vùng đất “chết" thuộc huyện vùng sâu Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Nếu như trước đây cây năn là cây cỏ dại, người trồng lúa phải mất nhiều công sức, tiền của tận diệt thì giờ đây lại là cây giúp cho nhiều hộ nghèo "hái" ra hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Người trồng năn cho biết, hàng năm, cứ vừa thu hoạch xong vụ lúa, trời mưa ngập ruộng là năn nhú lên và vươn cọng đâm chồi. Cây năn sinh sống tự nhiên, chỉ số ít phải trồng lại. Đặc biệt, trồng năn nông dân không cần chăm sóc nhiều mà vẫn thu nhập được gần 5 lứa/vụ. Bây giờ cây năn trở thành loại rau "quý hiếm" khi trở thành món đặc sản có mặt ở nhiều quán ăn bình dân, thậm chí ở cả nhà hàng lớn.
Theo ông Diệp Văn Diệu (xã Ninh Hòa, Hồng Dân): Cây năn luôn hút hàng, giá đứng ở mức cao. Trung bình, giá năn dao động từ 3.000 đến 12.000 đồng/kg, tùy theo từng thời điểm và vụ mùa. Thường thì đầu vụ giá thấp hơn cuối vụ, đặc biệt giá tăng cao vào dịp hè, lễ, Tết…, cho lợi nhuận cao.
Ông Cao Quốc Hận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Dân cho biết: Từ nhiều năm qua, cây năn trở thành cây thoát nghèo cho hàng trăm nông hộ, tạo tích lũy để gia đình họ khá, giàu lên. Theo ước tính trung bình, mỗi hộ có chừng 5 công (0,5 ha) năn trên đất trũng phèn là cho thu nhập 12 - 20 triệu đồng/năm.
Huỳnh Sử