Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có 122 công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ đã hoàn thành đưa vào hoạt động hoặc đang xây dựng, với tổng công suất trên 4.523 MW. Thế nhưng, có một thực tế, nhiều công trình tuy đã đưa vào hoạt động khá lâu nhưng việc đền bù tái định canh, định cư vẫn chưa được giải quyết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống cho hàng trăm hộ đồng bào các dân tộc các vùng dự án.
Các địa phương đã kiểm tra, kiến nghị nhiều lần nhưng lãnh đạo các nhà máy thủy điện như: Plei Krông (tỉnh Kon Tum), Ya Ly, An Khê - Kanăk (Gia Lai), Đắk Rtih, Đắk Nteng, Đồng Nai 3, 4 (Đắk Nông)... vẫn né tránh trách nhiệm, chưa tập trung giải quyết các tồn đọng về đền bù giải tỏa, tái định canh, định cư cho hàng trăm hộ gia đình đồng bào các dân tộc. Cụ thể, tại dự án thủy điện Plei Krông (tỉnh Kon Tum), các hộ dân nhanh chóng chuyển đất cho doanh nghiệp khởi công xây dựng công trình thủy điện và được đền bù đất nơi ở mới.
Thế nhưng, đến nay 89 hộ vẫn chưa nhận được đất sản xuất, hàng chục hộ khác chưa nhận được tiền bồi thường đất, hoa màu, thiếu quỹ đất cho 120 gia đình tách hộ. Tại công trình thủy điện Đồng Nai 3 (Đắk Nông) chủ đầu tư còn nợ 24 tỷ đồng tiền đền bù, chưa cấp đất ở bổ sung cho 22 hộ. Còn tại công trình thủy điện An Khê - Kanăk (Gia Lai) vẫn chưa chi trả tiền đền bù cho 55 hộ, chưa khai hoang bàn giao trên 121 ha đất tái định canh cho đồng bào như đã cam kết... Một số công trình thủy điện tuy có đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc được đền bù nhưng chất lượng quá thấp, không phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng một số công trình thủy lợi phục vụ tái định canh không phát huy được tác dụng, đất sản xuất nhiều nơi quá xấu, có độ dốc cao, người dân không nhận vì không sản xuất được...
Các địa phương ở vùng Tây Nguyên cũng như Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Chính phủ sớm tổ chức cuộc họp chuyên đề để bàn, rà soát, điều chỉnh lại việc quy hoạch phát triển thủy điện ở Tây Nguyên và các huyện miền núi tiếp giáp với Tây Nguyên. Trước mắt đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần sớm phối hợp với UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng về đền bù, tái định canh, định cư, khắc phục những sai sót trong xây dựng nhà ở, các công trình sinh hoạt chất lượng thấp ở các khu tái định cư nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc yên tâm sản xuất, từng bước ổn định đời sống.
Quang Huy